Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo chuyên đề: “Thị trường căn hộ - văn phòng (office-tel): Nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ”, diễn ra ngày 17/3.
Office-tel đang dần trở thành kênh đầu tư hấp dẫn
Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hơn 2 năm trở lại đây, sau một chu kỳ khủng hoảng, thị trường bất động sản (TTBĐS) Việt Nam đã có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ theo hướng minh bạch, bền vững hơn. Cùng với sự sôi động trở lại của các phân khúc truyền thống, thị trường cũng xuất hiện thêm một số loại hình sản phẩm BĐS mới như: Căn hộ - khách sạn (Condo-tel), căn hộ - văn phòng (office-tel), nhà phố thương mại (Shop house)…
Với sự năng động, hợp lý, sát thực với nhu cầu thị trường, những loại hình này (đặc biệt là office-tel) đã nhanh chóng được nhiều doanh nghiệp BĐS quan tâm phát triển, được khách hàng đón nhận và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.
Khảo sát sơ bộ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, đã có khoảng 40-50 dự án phát triển theo mô hình này với sự tham gia của hàng loạt các nhà đầu tư lớn như: Vingroup, NovaLand, Sacomreal, Hưng Thịnh, Bitexco…
Số liệu của Công ty Nghiên cứu Cushman & Wakefield cho thấy, dòng sản phẩm office-tel rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty mới khởi nghiệp; các công ty nước ngoài muốn mở văn phòng đại diện; các chuyên gia nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam... Hiện đa phần các dự án office-tel có khoảng 40% khách hàng là những công ty khởi nghiệp và công ty có nhu cầu mở văn phòng đại diện, 10-15% khách mua có nhu cầu ở thực còn lại là khách mua để đầu tư cho thuê lại.
Tại Việt Nam, mô hình office-tel hiện đang xuất hiện tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với phần lớn các dự án office-tel ở khu vực ngoài trung tâm. Tại TP. Hồ Chí Minh dự báo đến cuối năm 2017 đạt gần 8.000 căn. Hà Nội cũng đã xuất hiện một số dự án office-tel đầu tiên với tổng nguồn cung hiện tại hơn 1.000 căn.
Trong tương lai, cùng với kỳ vọng về nền kinh tế phát triển ổn định, số lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng như số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tăng lên, nhu cầu thực cho các loại sản phẩm BĐS, trong đó có sản phẩm office-tel, được dự báo cũng sẽ tăng theo.
Vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Đại diện của Tổng công ty Tecco cho hay, mặc dù rất quan tâm đến hình oficce-tel song các doanh nghiệp vẫn e ngại tính pháp lý của loại hình căn hộ này. Các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải là: khách hàng chưa yên tâm đối với loại sản phẩm này còn chủ đầu tư thì đang vừa làm vừa “dò đường” nên sẽ gặp khó khăn thậm chí rủi ro cao trong kinh doanh.
Vị này kiến nghị, Bộ Xây dựng, Chính phủ cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư xây dựng và khách hàng cũng yên tâm chọn sản phẩm. Mặt khác, điều này cũng góp phần cân đối cung cầu và làm minh bạch TTBĐS tại hai thành phố lớn cũng như trên cả nước.
Là DN thực hiện dự án có mô hình office-tel, ông Lê Đình Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty BĐS Dream House Corp - cho biết, dù sức hút của office-tel lớn vì giá trị sinh lợi cao nhưng khách hàng vẫn rất băn khoăn khi mua sản phẩm này, trong đó băn khoăn nhất là vấn đề sở hữu lâu dài.
Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Trung đề nghị, cần phải có khung pháp lý để căn hộ office-tel cũng có quyền sở hữu như căn hộ chung cư. Trong khi chờ đợi, ông Trung kiến nghị Bộ Xây dựng có thông tư hướng dẫn cụ thể quy định các chỉ số đối với dự án có mô hình căn hộ này để khách hàng yên tâm và chủ đầu tư có quy chuẩn xây dựng thay vì phải tự tính toán, tự khảo sát như hiện nay.
Còn theo PGS-TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trước mắt xã hội phải “trải thảm đỏ” cho office-tel phát triển, “nương nhẹ” với loại hình này; Nhà nước phải làm “bà đỡ”, “ươm mầm” cho loại hình này phát triển bằng cách nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, cho nó một cái tên ngang hàng với nhà, đất, căn hộ chung cư, văn phòng cho thuê; một khung pháp lý để office-tel có thể tham gia vào thị trường. Để hoàn thiện khung pháp lý dành cho loại hình này, cần có sự kết hợp, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho biết, chúng ta cần phải hoàn chỉnh thể chế để phân khúc này phát triển bình đẳng như các phân khúc khác. Phải bình đẳng, bởi nó có nhu cầu, có thị trường thật.