Vừa qua, trên một số hội, nhóm kênh mạng xã hội và truyền thông đưa thông tin chưa chính xác, chưa đầy đủ về kiến nghị cho phép hay không cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán xăng dầu với nhau. Để viện dẫn cho kiến nghị nên để thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán xăng dầu với nhau, các ý kiến nêu lập luận: Hiện vấn đề số liệu "ảo" về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường đã được giải quyết thông qua việc kết nối dữ liệu về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, tồn kho xăng dầu… về hệ thống của Bộ Công Thương.
Việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán xăng dầu lẫn nhau đã được cơ quan thanh tra kết luận là gây đội chi phí, phát sinh nguồn cung ảo trên thị trường (Ảnh minh hoạ: Cấn Dũng) |
Tuy nhiên, trên thực tế, cách hiểu này chưa chính xác, cần được hiểu đúng như sau:
Đối với quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau như dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương xây dựng trình Chính phủ ban hành, qua các bài báo trước, Báo Công Thương đã phân tích rõ ràng rằng, quy định này xuất phát từ thực tế việc mua bán xăng dầu lẫn nhau của thương nhân phân phối thực hiện thời gian vừa qua đã được thanh tra Chính phủ kết luận là gây mua bán lòng vòng, phát sinh thêm khâu trung gian gây đội chi phí.
Các cơ quan quản lý và cả cơ quan pháp luật đã chỉ ra, nút thắt của vấn đề này là thương nhân phân phối hoàn toàn không thể tạo ra nguồn cung mới mà thực tế, họ phải đi mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối. Như vậy, nếu thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau, sẽ làm tăng lên một nấc nữa trong hệ thống phân phối xăng dầu, gây đội chi phí. Theo kết luận của cơ quan thanh tra, việc mua bán lòng vòng qua lại đã làm tăng thêm chi phí trong khâu này là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, là tình trạng đã xảy ra thời gian vừa qua.
Về thông tin cho rằng, các qui định mới về kết nối dữ liệu nguồn trong dự thảo Nghị định hiện nay đã "hoá giả" được con số ảo về số lượng xăng dầu trên thị trường, theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), lập luận này chưa chính xác. Bởi lẽ, việc kết nối dữ liệu nguồn chỉ thực hiện với thương nhân đầu mối. Nếu muốn nắm số liệu từ thương nhân phân phối mà vẫn để thương nhân phân phối mua bán xăng dầu của nhau họ sẽ báo cáo số liệu cả từ đầu mối và từ các thương nhân phân phối khác nên số nguồn sẽ bị trùng.
Cần phải nói thêm rằng, việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng lại nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu. Khi thương nhân báo cáo số liệu này về Bộ Công Thương, dù là qua kênh nào, cũng tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.
Trong bối cảnh đó, nếu như thương nhân phân phối chỉ mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối – thương nhân có nhiệm vụ tạo nguồn, thực hiện tổng nguồn xăng dầu thì thông qua việc kết nối dữ liệu giữa thương nhân đầu mối với Bộ Công Thương (thương nhân phân phối không phải thực hiện việc kết nối này do không phải đối tượng thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn xăng dầu), cơ quan chức năng có công cụ để kiểm tra thực tế con số tổng nguồn này từ báo cáo của thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước, từ con số thực tế của cơ quan hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu. Qua đó, nắm bắt được con số chính xác để có thể điều tiết được nguồn cung. Vì xét cho cùng, đối với một mặt hàng đặc biệt như xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu sử dụng của người dân là quan trọng nhất.
Thêm nữa, mục tiêu lớn nhất của việc kết nối dữ liệu giữa thương nhân đầu mối với Bộ Công Thương là phục vụ kiểm soát nguồn cung xăng dầu cho tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán lẫn nhau nhằm mục tiêu hạn chế việc tăng chi phí trong khâu trung gian, là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp gây khó khăn cho thương nhân bán lẻ. Đây là hai vấn đề khác nhau.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cũng nêu quan điểm: “Một số doanh nghiệp phân phối có phản hồi rằng, cơ quan quản lý đề xuất việc không cho phép mua bán xăng dầu lẫn nhau là hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng tôi cho rằng, quan điểm đó là do doanh nghiệp chỉ đứng ở góc độ của mình để nói chứ chưa nhìn một cách tổng thể. Trong trường hợp muốn tự do mua bán xăng dầu, thương nhân phân phối có thể cố gắng đáp ứng được các tiêu chí đã được quy định rõ ràng để trở thành thương nhân đầu mối và xin cấp phép. Lúc đó hoàn toàn có thể mua bán xăng dầu tự do với nhau”.
Từ kết luận của cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra về một số vụ việc vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, có thể thấy, thời gian qua, một số thương nhân phân phối xăng dầu sử dụng hợp đồng mua bán xăng dầu để vay vốn ngân hàng rồi sử dụng nguồn vốn đó cho mục tiêu khác như đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán… dẫn tới thua lỗ, gây lãng phí nguồn lực toàn xã hội. Thực tế này cần được chấn chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, lãng phí nguồn lực, đảm bảo nguồn vốn dành cho xăng dầu thực sự phục vụ mục tiêu kinh doanh xăng dầu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu với 3 cấp (phân khúc): Thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu - Thương nhân phân phối xăng dầu - Thương nhân bán lẻ xăng dầu, đồng thời, Dự thảo quy định cụ thể về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân ở từng phân khúc. Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, khi tham gia thị trường, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện, thực hiện quyền và nghĩa vụ ở từng phân khúc mà doanh nghiệp tham gia. |