Cần chính sách đột phá để phát triển tam nông
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo - thông tin, Nghị quyết 26 được thể chế hóa kịp thời, hình thành hệ thống chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Hội nghị cho ý kiến các dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn |
Nhiều chỉ tiêu trong Nghị quyết đề ra đến năm 2020 đạt và vượt. Cụ thể, thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,5 lần so với năm 2008 (mục tiêu là trên 2,5 lần); số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 62,4% (mục tiêu là khoảng 50%); tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn bình quân giảm 1,21%/năm (mục tiêu là giảm 1-1,5%/năm).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn tồn tại những hạn chế, nông nghiệp phát triển chưa bền vững, xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, thu nhập, đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo một số nơi còn cao,… Vì vậy, yêu cầu tham mưu về chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đòi hỏi phải có những đột phá, phù hợp với tình hình mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung cho dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao công tác chuẩn bị, nhất là dự thảo Báo cáo tổng kết. Các ý kiến thảo luận, góp ý, đề xuất với Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện việc tổng kết Nghị quyết một cách toàn diện, sâu sắc, qua đó xác định được định hướng phát triển mới cho giai đoạn tới.
Trong đó, các đại biểu đã phát biểu tập trung vào các vấn đề quan trọng như tính thực tiễn, tạo ra giá trị mới, đột phá cho phát triển nông nghiệp trong giai đoạn phát triển mới; các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Dự thảo Nghị quyết; nghiên cứu tác động của tình hình thế giới và dịch bệnh.
Ý kiến của các cơ quan, Bộ, ngành cũng bàn về cơ cấu nền nông nghiệp, vấn đề đất đai, đầu tư thương mại dịch vụ, cơ chế tài chính. Một số ý kiến góp ý về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vấn đề đào tạo lao động ở nông thôn, tài chính, tín dụng ở nông thôn; phát triển sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam…
Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết chủ trì Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết chủ trì hội nghị - khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Việc đóng góp của các đại biểu tại hội nghị có ý nghĩa quan trọng cho việc xây dựng Nghị quyết mới, trình Trung ương đề ra những chủ trương, định hướng lớn phát triển nông nghiệp, nông thôn và chăm lo đời sống nhân dân, nâng cao vị thế nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng nước ta trong thời kỳ mới.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã kế thừa, phát triển các quan điểm, định hướng của Nghị quyết 26, khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cùng một số nội dung mới, trọng tâm được bổ sung và phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Do đó, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, nhất là những vấn đề cần kế thừa, phát triển Nghị quyết 26, những quan điểm, giải pháp mới cho giai đoạn đến năm 2030 để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết trình Bộ Chính trị, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đã đề ra.