Nhận diện thách thức
Ngày thứ hai của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV, Thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng 21/10, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đóng góp những ý kiến để làm rõ các báo cáo của Chính phủ qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sáng ngày 21/10 |
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu đoàn Bắc Kạn cho biết, dù dịch bệnh đã được kiểm soát song vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát rất lớn. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch có thể ví như công tác chữa cháy nên tất cả phải vào cuộc ngay, do vậy ban đầu sẽ khó tránh khỏi các sơ sót nhất định. Tuy vậy, quan trọng nhất là chính quyền địa phương biết lắng nghe và điều chỉnh kịp thời.
Dẫn chứng việc một số địa phương áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly quá rộng, quá dài với các biện pháp quá mức cần thiết. Thậm chí, ngay trong một địa phương nhưng cũng có những quy định không thống nhất, vị đại biểu đoàn Bắc Kạn cho hay, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không chỉ khó khăn trong việc thiếu vốn, bảo lãnh cho vay mà cần có các quy định thống nhất của Chính phủ xuống các địa phương để giúp họ yên tâm phát triển.
Ở góc độ khác, dịch bệnh cũng tạo ra khoảng trống về lao động tại một số địa phương phía Nam. Đưa ra ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, đoàn Kiên Giang cho rằng, muốn đào tạo được một lao động quen việc thì phải mất một năm, còn người công nhân có tay nghề cao phải mất 5 năm hoặc 10.000 giờ lao động.
Do vậy, rất nhiều người dân dịch chuyển từ Nam ra Bắc trong đợt dịch vừa qua đã để lại một khoảng trống rất lớn đối với các khu công nghiệp và doanh nghiệp phía Nam. Bởi vậy, theo đại biểu đoàn Kiên Giang, cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ và cụ thể trong vấn đề phòng chống dịch bệnh, giúp doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất - kinh doanh.
Nhấn mạnh thêm ý kiến trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc lao động di chuyển về các địa phương cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh, bởi nhiều trong số đó vẫn chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine. Do đó, ông đề nghị Chính phủ cần phân vùng để thực hiện mở dần và có lộ trình cụ thể. Cùng với đó, đẩy nhanh việc chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.
Cần những giải pháp căn cơ
Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, có được kết quả nêu trong báo cáo trong khi tại thời điểm dịch chưa chấm dứt, vẫn còn đe dọa một số địa phương, đây được coi là nỗ lực lớn, đó là thành quả chung của hệ thống chính trị.
Thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng 21/10 |
Bộ trưởng cho biết, trong nhiệm vụ giải pháp những tháng còn lại của năm 2021, báo cáo đã đề cập nhiều đến thiệt hại nặng nề về kinh tế xã hội, nhưng qua đại dịch chúng ta nhìn rõ hơn thực lực của nền kinh tế của đất nước và khả năng thích ứng cũng như năng lực thực tế của hệ thống chính trị nhất là cấp cơ sở.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất, thời gian tới, trong hệ thống các giải pháp của năm 2021 và năm 2022, cùng các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội nêu trong báo cáo của Chính phủ cần bổ sung ngay giải pháp làm sao nâng được nội lực kinh tế đất nước. Qua đợt dịch Covid-19 mới thấy năng lực thực tế của kinh tế và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận, lĩnh vực thành công năm nay là xuất khẩu, mặc dù xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn vẫn tăng trưởng 18,8%, nhưng khu vực doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu còn rất nhỏ chỉ chiếm trên dưới ¼, cón ¾ là do các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI. Đáng chú ý, ngành chế biến chế tạo đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu, nhưng lại nằm ở khu vực FDI.
Người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng, cơ hội của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký mang đến nhiều lợi ích, nhưng, để được hưởng các lợi ích này, vẫn còn một khoảng cách nhất định. Theo đó các giải pháp phục hồi kinh tế vẫn phải tập trung để nâng nội lực kinh tế đất nước và khả năng của các doanh nghiệp Việt.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nêu, chúng ta đã đặt ra mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập của đất nước từ rất sớm và cũng có nhiều nỗ lực. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận đến thời điểm này công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vẫn còn khó khăn. Các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất, chế tọa, chế biến, điện tử… phát triển chưa được như kỳ vọng. Để phát triển những lĩnh vực này cần có hệ thống cơ chế chính sách dài hạn.
Liên quan đến vấn đề năng lượng, hiện nay cả thế giới đang điêu đứng về năng lượng: Trung quốc, Mỹ, châu Âu, bởi nhiều nguyên nhân do tổng cầu tăng sau Covid-19 và do tổng cung nguyên liệu sơ cấp nhất là nguyên liệu hóa thạch cũng giảm...
Thứ ba, Mỹ đang đứng đầu kêu gọi chiến dịch trung hòa cacbon đến năm 2050, tại thời điểm này họ đã đóng cửa khai thác nguyên liệu hóa thạch vì thế dự báo giá năng lượng cao và khả năng dự báo khủng hoảng năng lượng của cả thế giới sẽ diễn ra trong những năm tới và Việt Nam không tránh khỏi.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã được giao tham mưu để rà soát Quy hoạch điện VIII và hiện nay việc rà soát đã cơ bản hoàn thành. Bộ đã lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan và đã trình Chính phủ. Theo đó, quy hoạch mới đã có dự báo tương đối sát với tổng cầu của Việt Nam giai đoạn 2030 - 2045, đồng thời đã bước đầu rà soát cân chỉnh để cân đối các nguồn điện, kể cả cân đối nguồn điện truyền thống, nguồn năng lượng mới, cân đối vùng miền, cân đối giữa nguồn và hệ thống truyền tải.
Quan trọng là cơ chế điều hành như thế nào. Chúng tôi đề xuất cơ chế điều hành khắt khe trong Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, hàng năm giao cho Bộ Công Thương được quyền 6 tháng một lần rà soát, nếu dự án mà không thực hiện theo tiến độ thì có hình thức phạt theo cam kết. Đặc biệt, sau 18 tháng không thực hiện được thì cấp có thẩm quyền thu hồi dự án. "Với cơ chế điều hành rất khắt khe quyết liệt như vậy, hy vọng việc cung ứng điện năng cho đất nước có thể giải quyết được" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Tại phiên họp tổ, các ý kiến đưa ra đều rất quan tâm đến các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Dẫn ý kiến của cử tri, theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng), nhiều chính sách đưa ra rất đúng nhưng quá trình tổ chức thực hiện thường vướng. Cùng với đó, nếu không tập trung để thích ứng an toàn thì cũng không có bình thường mới và đồng nghĩa với việc không thể phục hồi được nền kinh tế theo đúng như kế hoạch mà Chính phủ mong muốn.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu ra một số giải pháp, trong đó ông nhấn mạnh khâu dự báo, cảnh báo là rất quan trọng. “Đối với cuộc chiến với “đối thủ vô hình” nếu không làm tốt khâu này thì quá trình vận dụng sẽ khó. Hơn nữa, không coi trọng khoa học và công nghệ chúng ta sẽ khó dự báo và cảnh báo và sẽ khó cho điều hành vĩ mô” - ông Hồi nói.
Ông Hồi cũng đề nghị cần có những biện pháp khai thác tiềm năng lợi thế hợp lý để phát triển tiềm năng kinh tế biển; tiếp tục mở rộng để tăng nguồn thu bằng tăng khai thác dầu khí do giá dầu đang lên…
Qua làn sóng lao động di cư về quê vừa qua, đại biểu Quốc hội Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đề nghị cần chính sách rõ ràng hơn phát triển kinh tế nông thôn, phải định vị vấn đề trọng tâm của phát triển kinh tế nông thôn là gì. “Có đúng kinh tế tập thể, hợp tác xã là mấu chốt hay không, nếu đúng thì phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển mô hình này. Mặc dù, chúng ta đã có luật, có chính sách nhưng thực hiện chưa mạnh mẽ” - đại biểu Lương Quốc Đoàn nói.
Trong khi đó, đại biểu Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế. Trong đó phải tiếp cận theo cả 2 hướng cả về cung và cầu của nền kinh tế.
“Kinh nghiệm các nước cho thấy cần có những biện pháp tài khoá để kích thích tổng cầu. Điều này rất quan trọng bởi sau làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, đời sống người dân rất khó khăn khiến tổng cầu giảm. Ngoài ra, cần kích thích tổng cung, khi tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất đã diễn ra” - đại biểu Sơn nêu ý kiến.