Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được vay ngoại tệ ngắn hạn không thời hạn |
Hiện nay, vấn đề liên quan đến xăng dầu đang được dư luận rất quan tâm, đặc biệt là tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Báo Công Thương khảo sát kết quả kinh doanh xăng dầu một số đơn vị liên quan để phác họa một phần nào đó về hoạt động kinh doanh của công ty đầu mối xăng dầu.
Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX)
Kết thúc quý 2/2022, doanh thu thuần của PLX đạt hơn 84.367 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao hơn doanh thu, tăng đến 92% so cùng kỳ, lên gần 81.964 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 43%, còn gần 2.403 tỷ đồng. Theo đó, biên lãi gộp giảm từ 9% xuống còn 3%.
Thêm vào đó, chi phí bán hàng lên đến hơn 2.570 tỷ đồng, tăng 6% và chi phí lãi vay hơn 166 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ. Với giá vốn tăng cao cộng thêm gánh nặng chi phí bán hàng, PLX lỗ ròng hơn 196 tỷ, giảm 86% so với cùng kỳ (1.498 tỷ đồng).
Theo đó, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu PLX giảm đến 90% so cùng kỳ, còn hơn 206 tỷ đồng.
Được biết, năm 2022, PLX đặt mục tiêu đạt 186.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so năm 2021, nhưng dự kiến lợi nhuận trước thuế giảm 19%, còn 3.060 tỷ đồng. Do đó, PLX mới chỉ đạt 10% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu PLX mới chỉ đạt 10% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2022 |
Theo thông tin công bố trên website của PLX, ngày 29/7/2022, đơn vị này đã gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo tài chính 6 tháng năm 2022 của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất của toàn tập đoàn.
Theo báo cáo, tổng doanh thu thuần hợp nhất của các đơn vị thành viên PLX trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí… là 151.387 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. PLX lý giải về việc doanh thu tăng chủ yếu do ảnh hưởng của biến động giá dầu tăng mạnh.
Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 293 tỷ đồng, đạt 10% kế hoạch và bằng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh doanh xăng dầu có lợi nhuận trước thuế lỗ (-) 595 tỷ đồng. Đáng chú ý, các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu (hóa dầu, nhựa đường, hóa chất, gas, vận tải xăng dầu, nhiên liệu hàng không, bảo hiểm, ngân hàng, dịch vụ kho, xây lắp, thiết bị…) đem lại lợi nhuận trước thuế cho PLX đạt 888 tỷ đồng.
Theo lý giải của PLX, một số nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh do giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine và việc các nước Tây Âu, Mỹ công bố biện pháp “trừng phạt” đối với lĩnh vực năng lượng của Nga đã làm cho giá xăng dầu thế giới biến động bất thường. Theo đó, giá dầu thô thế giới (WTI) tăng từ 91,59 USD/thùng vào ngày 25/2 lên mức 120-122 USD/thùng (tăng trên 30%) vào đầu tháng 6, sau đó quay đầu giảm còn 105,76 USD/thùng vào ngày 30/6/2022 và tiếp tục đà giảm mạnh về mức 96,42 USD/thùng vào ngày 28/7/2022.
Trong khi đó, để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu tại thị trường trong nước, tại những thời điểm khó khăn về nguồn hàng và trong các chu kỳ giá thế giới tăng cao PLX đã phải tăng cường nhập khẩu để bù đắp cho thiếu hụt từ nguồn cung ứng trong nước. Do đó biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu bị suy giảm lớn tập trung vào quý 2/2022.
Theo đó, công ty mẹ đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 30/6/2022 lên tới 1.259 tỷ đồng. PLX cho rằng, nếu không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho thì lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2022 của công ty mẹ là 295 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng 2022 của tập đoàn là 1.552 tỷ đồng.
PLX cho biết, tổng số nộp ngân sách 6 tháng năm 2022 của tập đoàn này là 21.393 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL)
OIL cũng là một trong những doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được hưởng lợi nhiều trong nửa đầu năm 2022 khi giá dầu thế giới tăng phi mã.
Theo Văn bản giải trình số 5259/DVN-TCKT, ngày 8/8/2022, OIL cho biết, lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 48% tương ứng tăng 192,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do thị trường xăng dầu có biến động tăng nhiều nhất trong các năm qua.
Biểu đồ thể hiện lợi nhuận sau thuế của OIL qua các quý từ năm 2020 đến 2022 |
Theo đó, trung bình 6 tháng đầu năm 2022, giá dầu Brent ở mức 108,21 USD/thùng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 40% so với thời điểm 31/12/2021. Theo biến động thị trường, giá các mặt hàng xăng dầu đều tăng mạnh từ 65-94% so với cùng kỳ năm 2021, giá dầu thô và sản phẩm tiếp tục tăng cao đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của công ty.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 tăng 73%, tương ứng tăng 340,14 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do ảnh hưởng bởi yếu tố giá dầu thế giới tăng.
Công ty TNHH Hải Linh
Công ty TNHH Hải Linh (Công ty Hải Linh, địa chỉ khu 2, xã Sông Lô, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) luôn nằm trong top đầu doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn nhất Việt Nam.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, giai đoạn 2017-2019, Công ty Hải Linh tăng trưởng khá nhanh qua các năm như: 11.549 tỷ đồng (năm 2017) tăng gấp rưỡi lên 17.663 tỷ đồng (năm 2018), tăng thêm 7% lên 18.879 tỷ đồng (năm 2019). Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này lại có xu hướng giảm qua từng năm, năm 2017 là 469,9 tỷ đồng, năm 2018 giảm xuống còn 423,3 tỷ đồng và 2019 là 449 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của Công ty Hải Linh trong giai đoạn 2017-2019 là khá tốt, tăng từ 88,9 tỷ đồng (2017) lên 123,4 tỷ đồng (2018) rồi lên mức 197,4 tỷ đồng (2019). Tuy nhiên, chi phí lãi vay của doanh nghiệp này cũng tăng đáng kể ở giai đoạn này, từ 90,2 tỷ đồng (2017) lên 101,7 tỷ đồng (2018) và 125,1 tỷ đồng (2019).
Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng khá lớn, nhất là năm 2019 với 444,6 tỷ đồng, cao gần bằng lợi nhuận gộp và cao hơn khá nhiều so với hai năm trước đó (lần lượt ở mức 402,4 tỷ đồng và 354,5 tỷ đồng).
Kết quả là lợi nhuận sau thuế của Công ty Hải Linh chỉ ở mức “èo uột” và suy giảm qua các năm. Cụ thể, năm 2017, Công ty Hải Linh báo lãi 39,4 tỷ đồng, sau đó giảm xuống còn 25 tỷ đồng ở năm 2018 và 15,7 tỷ đồng ở năm 2019.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group)
TMD Group (trụ sở chính tại số 2A, đường Lê Mao, phường Lê Mai, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) có hệ sinh thái với nhiều công ty hoạt động trong các lĩnh vực như xăng dầu, khí hóa lỏng, sản xuất giấy, bao bì, điện, logistics, vận tải đến dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, nông trại và khai khoáng ở nước ngoài.
Đầu năm 2019, TMD Group đã đưa dự án Tổng kho xăng dầu DKC tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vào hoạt động. Dự án được xem là tổng kho xăng dầu lớn nhất Bắc Trung bộ. Tổng mức đầu tư của Tổng kho xăng dầu DKC vào khoảng 1.400 tỷ đồng.
TMD Group đã liên tiếp nằm trong top đầu những doanh nghiệp nộp thuế cao nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong các năm 2019 và 2020 (hơn 1.000 tỷ đồng) và 2021 (1.820 tỷ đồng).
Được biết, doanh thu TMD Group tăng trưởng “thần tốc” qua các năm như sau: 605 tỷ đồng (2016), 2.180 tỷ đồng (2017), 6.175 tỷ đồng (2018), 9.836 tỷ đồng (2019). Có thể thấy, sau 3 năm, doanh thu của TMD Group đã tăng lên tới 1.526%.
Tuy nhiên, bên cạnh doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ thì qua các năm trên, TMD Group đều kinh doanh dưới giá vốn, kéo theo lợi nhuận gộp là con số âm. Lỗ sau thuế của TMD Group ở mức -53 tỷ đồng (2016), -38 tỷ đồng (2017), -154 tỷ đồng (2018), -302 tỷ đồng (2019). Tính tổng 4 năm này, công ty này lỗ tới 548 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tài sản của TMD Group cũng tăng mạnh qua các năm: 604 tỷ đồng (2016), 1.952 tỷ đồng (2017) và 4.616 tỷ đồng (2018), 5.937 tỷ đồng (2019). Tuy nhiên, phần lớn tài sản trên đều được tài trợ từ nợ phải trả, nợ phải trả ở mức 366 tỷ đồng (2016), 1.735 tỷ đồng (2017), 4.094 tỷ đồng (2018) và 5.590 tỷ đồng (2019).
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu từ năm 2016-2019 chỉ ở mức 216-521 tỷ đồng thì nợ phải trả liên tục tăng cho thấy đơn vị này có đơn vị nợ/vốn chủ ở khá cao, từ mức 1,5 lần (2016) lên mức 16 lần (2019). Đó là những điểm gợn của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của TMD group trong năm 2020, 2021 và 2022 vẫn chưa thấy doanh nghiệp công khai cập nhật.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Dương Đông (Dương Đông Group)
Dương Đông Group là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu xăng dầu, với thương hiệu DDS Petro, bao gồm 12 công ty thành viên.
Theo tìm hiểu, doanh thu của Dương Đông Group (công ty mẹ) duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2017 - 2019. Cụ thể, doanh thu thuần của Dương Đông Group đạt mức 4.351 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với năm 2016, năm 2018 và 2019 tăng mạnh lần lượt đạt 8.629 tỷ đồng và 12.304 tỷ đồng.
Dù doanh thu tăng mạnh nhưng tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp này lại rất khiêm tốn. Như năm 2019, công ty này chỉ ghi nhận khoản lãi thuần 31 tỷ đồng, tương đương 0,26% doanh thu.
Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Dương Đông Group đạt 4.127 tỷ đồng, cao gấp 6,9 lần so với vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh những công ty công bố báo cáo nêu trên, còn nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chưa lên sàn chứng khoán, không công bố công khai báo cáo tài chính hoặc công bố không đầy đủ, không cập nhật thường xuyên.