‘Bước ngoặt’ thị trường trung gian thanh toán
Theo xu hướng chuyển đổi số, trong 5 năm qua, lĩnh vực thanh toán ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hơn 50 đơn vị trung gian thanh toán được cấp phép. Trong đó, có 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử lớn trong nước lẫn khu vực và 3 doanh nghiệp viễn thông đang triển khai thí điểm Mobile-Money. Tính đến ngày 30/6/2024, hơn 34 triệu ví điện tử đang hoạt động (chiếm 59% trong tổng số 58 triệu ví điện tử đã kích hoạt).
Hơn hết, hệ thống văn bản pháp luật quy định trong lĩnh vực này đã và đang tiếp tục được ban hành và hoàn thiện có ý nghĩa quan trọng và tích cực đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trong việc khuyến khích, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể như: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 40/2024/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 17/7/2024) quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Số liệu từ Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính tới tháng 6/2024, Việt Nam đã đạt 9,13 triệu tài khoản Mobile-Money, 11.885 điểm kinh doanh được thiết lập, 275.575 đơn vị chấp nhận thanh toán và 128 triệu giao dịch trị giá 4.782 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng thanh toán qua QR Code tăng 104,23% về số lượng và 99,57% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường trung gian thanh toán ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng với hệ thống thanh toán tức thời |
Đánh giá về bức tranh chung của thị trường trung gian thanh toán của Việt Nam, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - cho biết, thị trường trung gian thanh toán ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng với hệ thống thanh toán tức thời, sự phổ biến của QR Code cũng như sự “lên ngôi” của thương mại điện tử xuyên biên giới và kinh doanh trên nền tảng số, “số hóa” dịch vụ truyền thống…
Cũng theo ông Lê Anh Dũng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam đang ở thời điểm bước ngoặt, cơ hội, thách thức đan xen nhưng nhìn chung lĩnh vực trung gian thanh toán vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, khai mở các cơ hội mới từ xu hướng phát triển tích cực “số hóa” dịch vụ, kinh doanh số, thương mại điện tử xuyên biên giới và hành lang pháp lý tạo thuận lợi.
Ông Dũng cũng chỉ rõ sau giai đoạn phát triển nhanh của trung gian thanh toán, thị trường còn tồn tại thách thức theo xu thế khó khăn của thế giới, cuộc “chạy đua” công nghệ giữa các ngân hàng và trung gian thanh toán ngày càng đòi hỏi nhiều hơn sự đầu tư về nguồn lực, tài chính. Đặc biệt, tình trạng gian lận, lừa đảo ngày càng gia tăng, liên tục “tiến hóa” và trở thành vấn nạn chung của các trung gian thanh toán.
Thông tin cụ thể về thị trường thanh toán tại Việt Nam lãnh đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) - cho hay, thị trường thanh toán tại Việt Nam năm 2023 có số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 3,5 tỷ giao dịch, với tổng giá trị lên tới hơn 66 triệu tỷ đồng.
Số lượng giao dịch qua QR Code đạt khoảng 183 triệu giao dịch, tăng trưởng mạnh mẽ 170% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch qua QR Code đạt khoảng 116 nghìn tỷ đồng, tăng 74% so với năm 2022. Giao dịch thanh toán trực tuyến (Ecom) đạt khoảng 210 triệu giao dịch, tăng trưởng 15% so với 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 150 nghìn tỷ đồng. 145,79 triệu thẻ đang lưu hành với tổng doanh số thanh toán thẻ năm 2023 đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với 2022.
Đối với hoạt động thanh toán thẻ, giá trị giao dịch rút tiền cao hơn so với giao dịch thanh toán, tuy nhiên mức độ chênh lệch đã giảm dần theo các năm gần đây và đặc biệt giảm mạnh trong năm 2023. Doanh số thanh toán thẻ tăng qua các năm, tuy nhiên, giảm trong năm 2023.
Cả nước có 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử |
Đại diện Napas cho biết, thanh toán điện tử đang ngày càng phát triển và trở thành xu hướng quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, Napas đã và đang liên tục phát triển hạ tầng thanh toán dùng chung, dải sản phẩm dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu kết nối của các ngân hàng, trung gian thanh toán, đẩy mạnh thanh toán điện tử tại Việt Nam. Đáp ứng phạm vi thanh toán nội địa và xuyên biên giới.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ nhiệm CLB VietFintech, Phó Tổng Giám đốc NAPAS hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành khung pháp lý rõ ràng, cụ thể và đầy đủ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và sự phát triển của thị trường thanh toán.
Hiện Napas là tổ chức chuyển mạch thẻ duy nhất trên thị trường. Trước đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ đề nghị nên cho phép thêm đơn vị cung cấp dịch vụ này để tăng sức cạnh tranh, giảm phí cho người sử dụng. Với nền tảng công nghệ hiện tại, nhiều doanh nghiệp công nghệ có đủ sức tham gia dịch vụ này.
Hiện các quy định trong Nghị định 52 đã tạo cơ chế cho việc cấp phép thêm các tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Theo đó, ngoài các điều kiện chung để thành lâp trung gian thanh toán về vốn điều lệ, Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nhân sự, giải pháp kỹ thuật… đơn vị muốn cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử phải đáp ứng một số quy định khác.
Cụ thể, phải được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan; có thỏa thuận kết nối với ít nhất 50 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tổng vốn điều lệ trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chiếm trên 65% tổng vốn điều lệ của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hệ thống các tổ chức tín dụng và ít nhất 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; có cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng tối thiểu theo yêu cầu về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 4 theo quy định của pháp luật, đảm bảo khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống kỹ thuật của tổ chức tham gia có thỏa thuận kết nối; có hệ thống máy chủ thực hiện theo quy định pháp luật và đáp ứng năng lực xử lý tối thiểu 10 triệu giao dịch thanh toán/ngày; Tổ chức tham gia không được kết nối quá 02 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử.
Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, tổ chức cung ứng dịch vụ phải có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chuyển mạch tài chính còn hiệu lực; được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan; có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn kết nối các hệ thống thanh toán quốc tế để thực hiện chuyển mạch tài chính các giao dịch thanh toán quốc tế; có quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ kỹ thuật đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế đề nghị cấp phép và tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quốc tế kết nối với tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.
Trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức được cấp phép phải cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ra thị trường và chỉ được phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ra thị trường sau khi triển khai hệ thống kỹ thuật đáp ứng quy định.