Bộ Nội vụ thông tin về việc nâng bậc lương trước thời hạn
Kiến nghị về vấn đề nâng bậc lương trước thời hạn, ông Nguyễn Công Khánh (tỉnh Phú Yên) cho biết: "Tôi đã được nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng ngạch chuyên viên (mã số 01.003) từ bậc 3, hệ số lương 3,00 lên bậc 4, hệ số lương 3,33 kể từ ngày 1/3/2020. Kể từ ngày 1/11/2022, tôi được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002) và xếp bậc 1, hệ số lương 4,40. Tháng 12/2024, tôi có đủ các điều kiện về nâng bậc lương trước thời hạn (có 1 bằng khen và 1 chiến sỹ thi đua cơ sở), tôi có được nâng bậc lương trước thời hạn không".
Về câu hỏi kể trên, Bộ Nội vụ thông tin rằng, việc hướng dẫn chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Điều này đến nay đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 03/2021/TT-BNV ngày 29/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ thông tin về việc nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động. Ảnh: Lawnet |
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chính sách đối với công chức, viên chức ở tỉnh Phú Yên thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân tỉnh. Vì vậy, ông Nguyễn Công Khánh có thể liên hệ với cơ quan quản lý công chức, viên chức của tỉnh Phú Yên (Sở Nội vụ) để được giải đáp.
Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2025 có thể tạm thời dừng lại việc tăng lương, đến năm 2026 sẽ đánh giá lại Nghị quyết số 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương, sau đó, tiếp tục thực hiện cho phù hợp.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin, vừa qua, dù khó khăn nhưng Chính phủ đã dành nguồn lực khoảng 700.000 tỷ đồng, đến năm 2026 là 930.000 tỷ đồng cho việc điều chỉnh tiền lương. Nói cách khác, việc thực hiện chính sách tiền lương và trợ cấp bảo hiểm, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công là một khoản rất lớn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, thực tiễn vẫn còn bất cập. Do đó, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trên tinh thần Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát một số đối tượng bất cập dựa trên thực tiễn như nhân viên hành chính sự nghiệp, giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, nhân viên y tế...
"Chúng tôi sẽ rà soát một cách tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp theo tinh thần nghị quyết của Trung ương, nhất là kết luận của Bộ Chính trị đã ban hành. Làm sao đảm bảo để những đối tượng mang tính đặc thù cần có sự quan tâm, ưu tiên hơn, bảo đảm được đời sống của họ một cách tốt hơn", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Về tổng thể, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, vừa qua đã có 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, mức tăng lên 50,8%; trong đó, năm nay mức tăng là 30%. Đây là sự nỗ lực rất lớn.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đến năm 2026 sẽ đánh giá lại Nghị quyết số 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương, sau đó, tiếp tục thực hiện cho phù hợp. Còn việc có điều chỉnh lương cơ sở hằng năm hay không sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước.
"Năm 2025 có thể tạm thời dừng lại và sau đó điều chỉnh với một số đối tượng ở trên. Còn sang đến năm 2026, chúng ta sẽ tiếp tục có điều chỉnh để nâng cao đời sống người hưởng lương trong khu vực công nhằm bảo đảm tương đồng với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới", Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.