Chiều ngày 24/4, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn và Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp.
Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng |
Tham dự Hội thảo có đại điện các Cục, Vụ đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương: Điện lực và Năng lượng tái tạo; Điều tiết điện lực; Tiết kiệm năng lượng; Kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp; Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia ngành năng lượng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ; Văn phòng Bộ... cùng đại diện các hiệp hội tổ chức nước ngoài như: Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham); Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc (Britcham); Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham); Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (Incham); Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ (Asean); Hiệp hội năng lượng sạch Châu Á; Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam; Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức; Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản...
Ngoài ra tham dự sự kiện còn có Đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp: Điện lực Việt Nam; BIM Việt Nam; Samsung; Marubeni Asean Power Việt Nam và một số tổ chức hiệp hội doanh nghiệp khác.
Báo cáo tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Trần Việt Hòa cho biết: Trong thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành cơ chế này với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Cục trường Cục Điều tiết Điện lực Trần Việt Hòa báo cáo tại hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng |
Để định lượng nhu cầu của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, khách hàng sử dụng điện đối với cơ chế DPPA, tháng 5 năm 2022, tư vấn quốc tế đã thực hiện cuộc khảo sát đánh giá với kết quả như:
Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên bán (Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo): trong số 106 dự án có công suất đặt từ 30MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) trong danh sách Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Phiếu khảo sát đã được gửi tới 95 dự án và có 67 dự án phản hồi như sau: 24 dự án (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với Khách hàng; và 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia.
Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (Khách hàng sử dụng điện là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên): phiếu khảo sát đã gửi tới 41 Khách hàng, trong đó có 20 Khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu 996MW (ước tính).
Do đó, để có cơ sở triển khai các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, Luật Điện lực, Nghị quyết số 103/2023/QH15 và Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15, đồng thời phù hợp với thực tiễn, cần thiết xây dựng Nghị định quy định cơ chế DPPA.
Về tiến độ thực hiện, trước đó ngày 9/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định cơ chế DPPA đã được thành lập theo Quyết định số 814/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Ngày 10/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp lần thứ nhất , trong đó thảo luận Dự thảo 1 Nghị định và lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Tính đến ngày 15/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã nhận được 14 văn bản góp ý và đã rà soát, hoàn thiện Dự thảo 1 Nghị định;
Ngày 16/4/2024, Dự thảo 2 Nghị định đã được đăng tải tại Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan (khoảng 136 đơn vị); thời hạn góp ý trước ngày 25 tháng 4 năm 2024.
Ngày 23/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp lần thứ hai , trong đó thảo luận Dự thảo 2 Nghị định và lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Ngày 24/4/2024, Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Dự thảo Nghị định đã được tổ chức tại trụ sở Bộ Công Thương.