Bộ Công Thương tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học
Sáng 19/9, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống và theo Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 28/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài chủ trì hội nghị |
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, trong đó đã tổ chức xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung, công việc liên quan đến nhiệm vụ được giao tại quyết định. Kết quả thực hiện đã được báo cáo Chính phủ theo quy định. Tuy nhiên, việc tổng hợp thông tin từ các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan cũng như việc báo cáo định kỳ hằng năm còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến tồn trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm nhiên liệu sinh học đã được Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành, đáp ứng yêu cầu phối trộn, lưu thông E5 trên thị trường.
Bộ Công Thương cũng đã và đang triển khai các giải pháp để khuyến khích sử dụng xăng sinh học như: Điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt nhằm tạo mức chênh lệch giá giữa giá xăng khoáng và xăng sinh học ở mức hợp lý tùy từng kỳ điều hành giá; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
Mặt khác, Bộ đã giao cho các đơn vị truyền thông thuộc Bộ, thông qua các hoạt động chuyên môn để đưa tin, bài về phát triển nhiên liệu sinh học, phối trộn và khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, không có nguồn kinh phí riêng phục vụ cho công tác thông tin, truyền thông nên các hoạt động thông tin, truyền thông chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại hội nghị |
Cùng với đó, triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các đơn vị trực thuộc Bộ, qua đó đã triển khai được một số dự án song phương trong phát triển công nghệ, kỹ thuật sản xuất cồn sinh học, nhiên liệu sinh học từ một số quốc gia tiên tiến trên thế giới và khu vực. Qua đó, nắm bắt được thông tin quan trọng để tranh thủ các nguồn lực về kỹ thuật và công nghệ phục vụ thực hiện lộ trình.
Bộ Công Thương còn tích cực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để rà soát, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu sinh học phục vụ thực hiện lộ trình; kiểm tra, kiểm định nghiêm ngặt các thiết bị đo lường trong sản xuất, phân phối nhiên liệu sinh học và việc đảm bảo tỷ lệ phối trộn, chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với các sản phẩm nhiên liệu sinh học.
Việc cung cấp ethanol nhiên liệu trong nước để phối trộn lượng xăng E5 RON 92 chủ yếu từ hai nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất 200.000 m3/năm (200 triệu lít/năm); các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước với công suất mỗi nhà máy 100 triệu lít/năm đang tạm dừng sản xuất do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ chưa hoàn thành việc xây dựng.
Để chủ động về nguồn cung E100, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Tùng Lâm đảm bảo nguồn cung cho hoạt động kinh doanh E5 RON 92. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu mối như Petrolimex, PVOil… ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thì luôn có kế hoạch nhập khẩu E100 khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường.