Thứ bảy 19/04/2025 15:35

Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường

Nhận định tại hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020”, do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức sáng ngày 16/4, các chuyên gia có chung nhận định: Luật BVMT sửa đổi lần này phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý, nhiều cập nhật theo hướng hiện đại, có những điểm mới mang tính đột phá…

Theo ông Trần Anh Tấn - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp: Đến nay Luật BVMT được sửa đổi và thông qua 4 lần tương ứng với yêu cầu BVMT qua từng giai đoạn, đó là vào các năm 1993, 2005, 2014 và mới nhất là Luật BVMT số 72/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Luật BVMT sửa đổi lần này đã phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường, có nhiều cập nhật theo hướng hiện đại, có những điểm mới mang tính đột phá như đối với giấy phép môi trường, quản lý chất thải, thu phí theo khối lượng xả ra, một số nội dung mới như: Kỹ thuật hiện có tốt nhất, kinh tế tuần hoàn, phát triển các ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ thân thiện môi trường, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên... cũng đã được đưa vào Luật BVMT.

Ông Trần Anh Tấn - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phát biểu

Ông Trần Anh Tấn cho biết thêm: Ngành Công Thương với đặc thù sản xuất công nghiệp và thương mại, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp thuộc ngành đóng vai trò quan trọng trong xanh hóa nền công nghiệp, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, cùng với đó cũng phát sinh những vấn đề về ô nhiễm môi trường cần được quan tâm giải quyết. Để đáp ứng yêu cầu về BVMT, những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, những “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát nguồn thải trong ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoảng sản, luyện kim...

Cùng quan điểm với ông Trần Anh Tấn, chia sẻ tại hội thảo, ông Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng Cục BVMT miền Bắc - phân tích rõ hơn một số quy định mới trong Luật BVMT năm 2020 liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như 3 tiêu chí để phân loại dự án: Quy mô, công suất, loại hình; diện tích đất, mặt nước, khu vực biển, quy mô khai thác; yếu tố nhạy cảm về môi trường. Từ đó phân ra những nhóm nguy cơ khác nhau: Nhóm 1, nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; nhóm 2, có nguy cơ tác động xấu; nhóm 3, ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; nhóm 4, không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Qua đó, có cách giám sát, giảm thải ô nhiễm môi trường.

Luật BVMT năm 2020 cũng đưa vào một số dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đó là các dự án đầu tư thuộc nhóm 1, và cần thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo ông Hoàng Văn Vy, điểm mới đặc biệt liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong Luật BVMT sửa đổi, đó là giấy phép môi trường. Theo đó, sẽ tích hợp các loại giấy phép môi trường thành 1 loại. Điều này giúp giảm thủ tục hành chính, đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm cũng như tuân thủ những nguyên tắc về một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Mặt khác, quy định cũng đảm bảo tiếp cận tổng hợp về việc cấp giấy phép xả thải môi trường.

Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững

Bên cạnh đó là thủ tục đăng ký môi trường; giảm thiểu tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; kiểm toán môi trường, giúp kiểm soát được nguồn thải, chất thải của doanh nghiệp; quản lý chất thải rắn sinh hoạt; quản lý chất thải rắn thông thường; đặc biệt là vấn đề kinh tế tuần hoàn, cơ sở có trách nhiệm thiết lập hệ thống ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Qua đó, nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, hạn chế chất thải phát sinh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường...

Trong giai đoạn toàn cầu hóa như hiện nay, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực, đòi hỏi rất nhiều doanh nghiệp trong nước phải có bước đi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với BVMT. Có như vậy, mới có thể cạnh tranh, đưa sản phẩm, công nghệ của Việt Nam ra thế giới. Muốn đạt được mục tiêu đó, doanh nghiệp cần nhìn nhận, thay đổi chiến lược phát triển của mình, xác định phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh - sạch - nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Thanh Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Sau gần 4 vạn công bố, xử lý hơn 300 vi phạm, Cục An toàn thực phẩm ra cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Những người truyền lửa phong trào nông thôn mới ở Hle Hlang

Những hiện vật kể chuyện về Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Thời tiết hôm nay 19/4: Hà Nội sương mù vào sáng sớm

Thời tiết biển hôm nay 19/4/2025: Mưa nhỏ, gió hoạt động yếu

Chuẩn bị khởi công các công trình chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Bộ Y tế sẽ xử lý bác sĩ vi phạm quảng cáo

Hà Nội thông tin về 600 sản phẩm sữa nghi giả

Quán quân Olympic Tin học Cao Thắng 2025 chính thức lộ diện

Tận hưởng trải nghiệm thẩm mỹ công nghệ cao tại The Pyo giữa lòng thành phố

Bạo lực mầm non: Cảnh báo từ những vết hằn nhỏ

Thanh Hóa kỳ vọng những kết quả ấn tượng từ "Tuyên truyền viên Tiết kiệm điện 2025"

Đà Nẵng quyết tâm lan tỏa văn hóa tiết kiệm điện

Hà Nội: Cháy lớn tòa nhà cao tầng ở Thái Hà, cột khói ngùn ngụt

Phát triển nông thôn mới: Khi phụ nữ giữ vai trò trung tâm

Cục Quản lý Dược 'mách nước' để không mua phải thuốc giả

Vietnam Beautycare Expo: Cơ hội vàng để ngành làm đẹp hội nhập

'Chốt' đăng ký nguyện vọng lớp 10 công lập: Cuộc đua chính thức bắt đầu

10.000 việc làm hấp dẫn tại ngày hội tuyển dụng IUH 2025

Sáp nhập tỉnh: Bố trí lãnh đạo tỉnh và các sở ngành như thế nào?