Thứ năm 19/12/2024 21:42
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong ngành Công Thương

Bộ Công Thương: Nỗ lực tạo bệ đỡ cho công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”

Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Công nghiệp hỗ trợ- đóng góp cho tăng trưởng

Trong tiến trình phát triển công nghiệp, nhất là đối với một quốc gia đang dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam hiện nay, công nghiệp hỗ trợ có vai trò nền tảng đối với các ngành công nghiệp nói riêng cũng như đối với cả nền kinh tế nói chung.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ là bài toán kinh doanh mà còn là khát vọng và lòng tự hào dân tộc để mang những sản phẩm Made in Vietnam ra thị trường thế giới. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Trước hết, công nghiệp hỗ trợ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá. Công nghiệp hỗ trợ là ‘bệ đỡ’ cho sự phát triển sản xuất công nghiệp, là nền tảng, cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn. Chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của các sản phẩm chi tiết, linh kiện được sản xuất từ ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ thường có xu hướng tập trung chuyên môn hóa vào các công đoạn hoặc chi tiết sản phẩm có thế mạnh, mặt khác các doanh nghiệp cũng đồng thời thực hiện hợp tác liên kết với nhau nhằm hoàn thiện, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh tạo năng suất sản xuất và hiệu quả mới tăng lên.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, các lĩnh vực ngành Công Thươngđã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó có lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã có những bước tiến vượt bậc.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trải qua 10 năm phát triển, trong giai đoạn 2011 – 2020 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có bước phát triển khá ấn tượng. Thành quả này trước hết là nhờ sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt năm 2011 trên diễn đàn của Quốc hội đã đề cập “nóng” về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và sự cần thiết phải hình thành một ngành công nghiệp hỗ trợ để tạo ra một hệ sinh thái như chúng ta từng nói là “xây tổ đón đại bàng”.

Nhờ công nghiệp hỗ trợ, năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp -UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.

Ngành công nghiệp hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa”- báo cáo Bộ Công Thương nêu rõ.

Ngành công nghiệp hỗ trợ còn có những đóng góp quan trọng trong sự ổn định kinh tế, xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Khi các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp tự sản xuất được các chi tiết, linh kiện sản phẩm, đồng nghĩa với việc không còn phải nhập khẩu để phục vụ cho xuất khẩu, từ đó sẽ có tác động hạn chế nhập siêu, tăng nguồn thu ngoại tệ, đồng thời giảm được tình trạng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tự động nó sẽ có tác động tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa. Ngoài ra, ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ tạo ra hiệu ứng kéo các ngành công nghiệp khác phát triển, giải quyết công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, kích thích tiêu dùng trong nước, đóng góp tăng trưởng kinh tế và làm giảm tỷ lệ người nghèo.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ - khát vọng tự hào dân tộc

Phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ là bài toán kinh doanh mà còn là khát vọng và lòng tự hào dân tộc để mang những sản phẩm Made in Vietnam ra thị trường thế giới.

Khi Việt Nam đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành công nghiệp ô tô vào năm 1991, thì các nước trong khu vực đã đi trước khoảng 30 năm. Đến nay, ngành công nghiệp này của nước ta đã có hơn 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô; một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu như Thaco, Vinfast…

Điều đáng mừng là đa số các doanh nghiệp công nghiệp nói trên không chỉ dừng lại ở sản phẩm đơn giản mà đã sản xuất được những cụm chi tiết có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Từ chỗ nhỏ lẻ, lạc hậu, công nghiệp Việt Nam đã từng bước vươn lên. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Một trong những doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng như Thaco Trường Hải cho thấy khát vọng đưa sản phẩm công nghiệp sản xuất chế tạo Made in Vietnam ra toàn cầu chính là động lực thôi thúc doanh nghiệp vươn lên từ những ngày đầu.

Đến nay có hơn 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô; một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu như Thaco, Vinfast

Ghi nhận từ Thaco Trường Hải, tỉ lệ nội địa hoá của doanh nghiệp này còn cao hơn, có những dòng xe lên tới 70%. Các doanh nghiệp và đơn vị vệ tinh cho Trường Hải bao gồm: Trung tâm R&D; Trung tâm Cơ khí chế tạo và 17 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng.

Nhờ vậy, Thaco đã chủ động nhiều loại linh kiện, phụ tùng ô tô, như ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô, sơ mi rơ moóc, cản xe, dây, áo ghế, khung xương ghế, linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa – composite và nhóm các thiết bị công nghiệp khác.

Năng lực nội sinh của Trường Hải còn được minh chứng thông qua cung ứng linh kiện OEM cho nhiều hãng ô tô, xe máy tại Việt Nam như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio và các doanh nghiệp FDI như: General Electric, Doosan Vina, Makitech, Amann và xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Úc, Anh, Ý, Nga, Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…doanh thu đạt 160 triệu USD, với mục tiêu đạt 1 tỉ USD vào năm 2025.

Hay như dòng xe điện của Vinfast đang là đơn vị tiên phong với nội địa hoá được 60% từ khung gầm, nội thất, ngoại thất, hệ thống điện, hệ thống tự động hoá, các phần mềm nhúng ứng dụng AI, hệ thống JIG hàn thân vỏ xe của các nhà sản xuất trong nước, JIG là sản phẩm công nghệ cao kết hợp công nghệ thiết kế có mô phỏng, công nghệ tự động hóa điều khiển PLC, khí nén, lập trình robot, một công nghệ chứa hàm lượng chất xám cao và rất khó để đàm phán mua hoặc chuyển giao từ các nước ngoài. Ngoài ra, trong thời gian tới Vinfast cũng làm chủ hoàn toàn việc sản xuất pin sau khi khởi động nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh.

Những điều này chứng minh năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam là hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, vấn đề khó khăn chủ yếu do sản lượng đơn hàng và tính cam kết trong việc duy trì khiến cho doanh nghiệp Việt chưa mạnh dạn đầu tư dây chuyền, máy móc và nguồn lực kỹ thuật để đảm bảo sản xuất và duy trì hoạt động ổn định.

Đến nay, Thaco là đối tác quan trọng của nhiều doanh nghiệp lớn như Kia, Mazda, Peugeot, Mercedes-Benz, BMW… Doanh nghiệp còn phát triển các dòng sản phẩm khác như: thiết bị công nghiệp, thiết bị nông nghiệp, linh kiện phụ tùng ôtô, linh kiện phụ tùng ngoài ngành ôtô, nguyên vật liệu và gia công cơ khí theo công đoạn của quy trình công nghệ sản xuất theo yêu cầu khách hàng.

Bên cạnh đó, khu vực FDI cũng tạo tác động lan toả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt trong một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao-su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới. Năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước theo đó được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp Việt Nam được cải thiện.

Bộ Công Thương- tạo bệ đỡ chính sách

Thời gian qua, những chủ trương chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Đảng, Bộ Công Thương đối với phát triển ngành công nghiệp đã phát huy hiệu lực… tất cả đang dựng nên bức tranh với gam màu tươi sáng.

Năm 2015 Chính phủ đã banh hành Nghị định 111/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị định chính thức có hiệu lực từ 1/1/2016 (Nghị định 111). Với chính sách này, đã góp phần thúc đẩy cho công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”. Vào thời điểm đó số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ có hơn 300 doanh nghiệp nhưng sau 5 năm phát triển chúng ta đã có trên 1.000 doanh nghiệp, dù con số này còn khiêm tốn so với các nước song cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng về mở rộng sản xuất, cũng như sức phát triển của doanh nghiệp rất lớn.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111 với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Với khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dự thảo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ...

Với những thay đổi của chính sách cụ thể Nghị định 111 của Bộ Công Thương được nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp CNHT kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Hay như đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã khiến các ngành sản xuất chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn đến nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn thấp, gặp nhiều khó khăn để duy trì sản xuất trong bối cảnh đại dịch kéo dài. Trước bối cảnh đó, ngày 6/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (Nghị quyết 115). Việc triển khai Nghị quyết số 115 là hết sức cấp bách và quan trọng nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Triển khai Nghị quyết 115, nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Từ đó, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Sự ra đời của Nghị quyết 115 được đánh giá là đòn bẩy chính sách hữu hiệu nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài. Nghị quyết 115 thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đặc biệt Bộ Công Thương đang được Trung ương tin tưởng giao trọng trách khẩn trương xây dựng để trình ra Quốc hội thông qua trong thời gian tới Luật nghiệp trọng điểm. Khi Luật này được thông qua và ban hành thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có được một hệ thống pháp lý vững chắc hơn để xây dựng các văn bản dưới luật phù hợp.

Ngoài ra, việc triển khai các nội dung về phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi việc hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng một đạo luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp nền tảng nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng với các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai,… đủ mạnh và triển khai các hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cùng đó xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch, góp phần giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Anh
Bài viết cùng chủ đề: Công nghiệp hỗ trợ

Tin cùng chuyên mục

Cục Công nghiệp và Toyota hợp tác thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Tập đoàn Airbus tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam

Tăng cường quản lý hoạt động hoá chất có trọng tâm, trọng điểm

Phát triển bền vững - xu hướng nổi trội của ngành dệt may trong năm 2025

Việt Nam có tài sản quý để tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp hàng không

Doanh nghiệp công nghiệp vào ‘guồng’ sản xuất, tích cực ‘đón sóng’ cuối năm

Phát triển bền vững: Doanh nghiệp da giày đối mặt 5 thách thức lớn

Sắp diễn ra Hội thảo quốc tế lĩnh vực công nghiệp hàng không

Địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hoá chất trong mọi tình huống

Đà Nẵng: Thành lập Cụm công nghiệp Hòa Liên rộng hơn 58,53 ha

Đề xuất kéo dài ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô: Tạo lực đẩy cho ngành ô tô tăng trưởng

Đà Nẵng: Tổng kết chương trình hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh năm 2024

Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có thể làm chủ công nghệ khó

Gia Lai kiến nghị gỡ vướng cho phát triển cụm công nghiệp

Ngành Công Thương nỗ lực hiện thực hoá chủ trương của Đảng về khoa học công nghệ

Ứng dụng công nghệ - 'Chìa khoá' giúp ngành dệt may chinh phục mục tiêu 47-48 tỷ USD

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ

Bộ Công Thương thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp dệt may, da giày

Tích cực thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học