Thứ sáu 08/11/2024 12:32

Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số

Ngày 5/11, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo với chủ đề “Đánh giá mức độ sẵn sàng và xây dựng lộ trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Siemens về chuyển đổi số trong công nghiệp.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã được nghe các chuyên gia giới thiệu nhiều nội dung, thông tin hữu ích, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp như: Đánh giá thực trạng tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) thông qua Bộ chỉ số Mức độ sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh (SIRI); giới thiệu về các công nghệ của công nghiệp 4.0 phục vụ quá trình chuyển đổi số, đồng thời cũng chỉ ra những thách thức cho quá trình này…

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương - cho biết, trong thời gian gần đây, trên thế giới và tại Việt Nam, cụm từ “công nghiệp 4.0” hay “cuộc CMCN 4.0” ngày càng trở nên phổ biến. Với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ và tích hợp ở trình độ cao các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, cuộc CMCN 4.0 được dự báo sẽ thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới và của Việt Nam trong một tương lai không xa.

Hội thảo cung cấp nhiều nội dung, thông tin hữu ích

“Tâm điểm của cuộc cách mạng này chính là các nhà máy thông minh. Mô hình này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp” - ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh và bày tỏ, thách thức đi liền với cơ hội khi chúng ta có thể nhanh chóng nắm bắt và biến những khó khăn trước mắt trở thành lợi thế. Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, trong đó, mỗi doanh nghiệp cần tìm ra cho mình những hướng đi phù hợp.

Khảo sát của Bộ Công Thương thực hiện năm 2017 - 2018 đã chỉ ra rằng, năng lực tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 của chúng ta bị hạn chế bởi những vấn đề có tính chất hết sức cơ bản. Chẳng hạn như: Khả năng số hóa dữ liệu, kết nối dữ liệu trong nội bộ doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp và các đối tác trong chuỗi còn rất hạn chế, điều này dẫn đến khả năng tự vận hành theo thay đổi, tự động quản trị của doanh nghiệp rất thấp, chỉ ở mức 2% (ở phạm vi toàn doanh nghiệp); 11 - 12% ở các khu vực riêng lẻ trong doanh nghiệp; các mô hình quản trị doanh nghiệp dựa trên dữ liệu có tỷ lệ áp dụng rất hạn chế, chỉ ở mức trên dưới 5%.

Nhằm cụ thể các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 4/2019, Bộ Công Thương đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Siemens, Cộng hòa liên bang Đức về phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Trong đó, thúc đẩy số hóa các lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam thông qua giới thiệu các công nghệ tự động hóa và số hóa hiện đại trong một số ngành công nghiệp tiêu biểu được cả hai bên quan tâm.

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo

Để triển khai nội dung này, Bộ Công Thương và Tập đoàn Siemens đã thống nhất lựa chọn việc áp dụng thí điểm Bộ Chỉ số mức độ sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh (Smart Industry Readiness Index - SIRI) do Chính phủ Singapore xây dựng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của Singapore thực hiện chuyển đổi số. Đã có trên 200 doanh nghiệp của Singapore cũng như các doanh nghiệp tại nhiều quốc gia triển khai áp dụng SIRI tại doanh nghiệp và mang lại những hiệu quả rất rõ nét.

“Tôi tin rằng, việc có một bộ chỉ số đánh giá cho công nghiệp thông minh mang tính định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất trong tiến trình số hóa hoạt động của mình là hết sức cần thiết” - ông Trần Việt Hòa nói và khẳng định, từ phía doanh nghiệp, kết quả đánh giá sẽ cung cấp một bức tranh toàn diện về hiện trạng doanh nghiệp so với các yêu cầu phát triển sản xuất thông minh. Từ phía đơn vị tư vấn, kết quả này là thông tin đầu vào quan trọng hỗ trợ đơn vị tư vấn đưa ra phương án toàn diện và lộ trình hay cách đi phù hợp cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo ông Trần Việt Hòa, hội thảo là một trong những điểm khởi động quan trọng trong hành trình mà Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi số, xây dựng các mô hình nhà máy thông minh trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Qua các bước đánh giá đầu tiên, 7 trong số 15 doanh nghiệp tham gia đánh giá SIRI sẽ được lựa chọn để tiếp tục nhận tư vấn sâu về giải pháp và phương án đầu tư chuyển đổi số. Các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng nhà máy theo hướng công nghiệp 4.0 sẽ được ưu tiên lựa chọn. Dự kiến, ngay sau hội thảo này, Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Siemens, Hội đồng phát triển kinh tế của Chính phủ Singapore, Công ty Tuv Sud sẽ khảo sát và hỗ trợ tư vấn áp dụng bộ chỉ số SIRI tại các doanh nghiệp miễn phí trong tháng 11 và tháng 12/2019.

Phát triển nhà máy số chính là tâm điểm của cuộc CMCN 4.0 và đây cũng là định hướng ưu tiên lớn của ngành Công Thương trong phát triển một nền sản xuất hiện đại trong tương lai. “Bộ Công Thương hy vọng, cùng với sự đồng hành của Siemens và các đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số, công nghệ của công nghiệp 4.0 hàng đầu của thế giới, các doanh nghiệp của ngành Công Thương sẽ đi từng bước đi vững chắc trên con đường xây dựng một nền công nghiệp hiện đại” - ông Trần Việt Hòa chia sẻ.

Tiến sĩ Andreas Hauser, Giám đốc dịch vụ số Tuv Sud khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát biểu

Cũng tại hội thảo, tiến sĩ Andreas Hauser, Giám đốc dịch vụ số Tuv Sud khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khẳng định, công nghiệp 4.0 sẽ chuyển đổi toàn bộ ngành sản xuất chế biến chế tạo ở cấp độ căn bản nhất, thay đổi cách chúng ta sản xuất. Đó không còn là câu hỏi, hay sự nghi ngờ, mà chắc chắn sẽ xảy ra và thay đổi các nhà máy một cách đáng kể.

Trước tình hình đó, đã có nhiều công ty khẳng định sẽ áp dụng các giải pháp công nghiệp 4.0, nhưng khi đó có một vấn đề lớn đó là họ không biết làm thế nào để chuyển hóa các phương pháp luận về 4.0 để trở thành những phương pháp dành riêng cho doanh nghiệp của họ cũng như không biết phải bắt đầu như thế nào một cách có hệ thống và có chiến lược để thay đổi một cách đáng kể.

Ông Tindaro Michele Danze, đại diện của Siemens tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

“Bộ chỉ số SIRI sẽ là một công cụ ban đầu để các doanh nghiệp biết khởi động như thế nào, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp đến đâu và cần phải cải thiện theo từng bước ra sao…” - tiến sĩ Andreas Hauser nhận định và nêu, bộ chỉ số này có thể áp dụng cho nhiều đối tượng công ty, nhiều ngành nghề và quy mô. Điều đó có nghĩa, bộ chỉ số không chỉ áp dụng cho các công ty lớn mà còn phù hợp với các công ty nhỏ và vừa trong nền kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Tindaro Michele Danze - đại diện của Siemens tại Việt Nam - cho rằng, bộ chỉ số SIRI sẽ mang lại cho doanh nghiệp những thông tin minh bạch về con đường xây dựng chuyển đổi số cho họ và có thể áp dụng với quá trình, mục tiêu phát triển chung của doanh nghiệp trong 5 đến 10 năm tới. Trong quá trình này, sẽ có nhiều bước và mỗi bước này doanh nghiệp sẽ phải đưa ra dự kiến chi phí đầu tư cho mỗi năm, từ đó, trải qua từng bước để trở thành doanh nghiệp có tính chất số.

Quỳnh Nga - Bùi Hùng
Bài viết cùng chủ đề: Cách mạng công nghiệp 4.0

Tin cùng chuyên mục

Tập đoàn Viettel nói về giá và chất lượng mạng 5G sau 9 ngày thử nghiệm

Câu chuyện chuyển đổi số ở tỉnh nghèo Hà Giang

Để mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% vào GDP không còn là thách thức

Nâng cao năng lực cho mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số Việt Nam

Thị trường IT Việt Nam cần 500.000 lao động công nghệ từ nay đến năm 2025

Quảng Nam: Các tổ công nghệ số cộng đồng thi tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số

Cảnh báo: Các cú pháp nhận ưu đãi từ Viettel là thông tin thất thiệt

Thế giới thiếu hụt khoảng 4 triệu chuyên gia an ninh mạng

3 mục đích xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số

Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Hiệu quả cao nhờ chuyển đổi số

Ngành sản xuất là lĩnh vực bị mã độc tấn công nhiều nhất tại Việt Nam

AI tạo sinh mang lại cơ hội và thách thức gì cho doanh nghiệp?

Ứng dụng Rakuten Viber ra mắt tính năng mới, thêm trải nghiệm cho người dùng

Analog Devices và Flagship Pioneering “bắt tay” đẩy nhanh tốc độ phát triển thế giới sinh học

Sắp diễn ra hội nghị trí tuệ nhân tạo GenAI Summit 2024

Người dùng thích ứng ra sao sau 1 tháng thực hiện xác thực sinh trắc học?

Nở rộ dịch vụ ''lấy lại tiền bị lừa'' trên mạng xã hội, Cục An toàn thông tin khuyến cáo gì?

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Người đứng đầu đóng vai trò quan trọng

Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam

Sắp diễn ra Triển lãm công nghệ thông minh lần thứ 2