Bình Định: Sản xuất công nghiệp và thương mại có mức tăng trưởng khá
Theo Sở Công Thương Bình Định, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 ước tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, IIP ước tăng 9,49% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,09%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 1,84%; cung cấp nước quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,34%; công nghiệp khai khoáng tăng 11,4%,
Đối với hoạt động thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2024 ước đạt 10.635,9 tỷ đồng, tăng 20,4 % so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt79.751,4 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ, đạt 69,5% kế hoạch năm (114.700 tỷ đồng).
Theo đánh giá của Sở Công Thương Bình Định, kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại có mức độ tăng trưởng khá cao. Cụ thể, đối với lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2024 tăng trưởng khá cao so cùng kỳ do nhận nhiều đơn hàng hơn và có nhiều dự án mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số sản phẩm vẫn giữ tốc độ tăng trưởng dương so cùng kỳ.
Đối với lĩnh vực thương mại nội địa, trong tháng 8/2024, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, lưu thông thông suốt, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, đặc biệt các chương trình khuyến mãi triển khai sớm nhân dịp lễ Quốc khánh 02/9/2024. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục diễn ra sôi động nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trong tháng 8/2024 ước đạt 10.635,9 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ. Nhìn chung, số lượng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước uống, nhiên liệu tại các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh dự trữ với số lượng lớn, nguồn cung dồi dào, đa dạng, đảm bảo đáp ứng phục vụ tiêu dùng cho nhân dân và khả năng huy động khi cần thiết, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.
Khu Công nghiệp Nhơn Hội - Bình Định. Ảnh: Nguyễn Lạc |
Trong khi đó, đối với hoạt động ngoại thương, trong tháng 8, trên địa bàn tỉnh ước đạt 145,4 triệu USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá với giá trị ước đạt 1.141,9 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định - cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2024; Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị lĩnh vực sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh năm 2024. Triển khai các kế hoạch về xuất khẩu hàng hoá, phát triển dịch vụ logistics… Đồng thời, “tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, dự án công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất hỗ trợ tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động trong tháng 9/2024” - ông Tổng cho biết thêm.
Được biết, đối với công tác thu hút dự án sản xuất công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn trong tháng 8/2024. Tháng 8, có 08 dự án với tổng vốn đầu tư 230 tỷ đồng đi vào hoạt động. Lũy kế 8 tháng có 33 dự án với tổng vốn đầu tư 3.036 tỷ đồng đi vào hoạt động; trong đó, có 05 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư 2.324 tỷ đồng.
Năm 2024, UBND tỉnh giao chỉ tiêu thu hút 21 dự án vào các CCN. Kết quả cụ thể, đã thu hút 15 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư/ Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư 1.854,2 tỷ đồng (bình quân 123,6 tỷ đồng/dự án), tổng diện tích 49,1 ha; có 09 dự án đang triển khai thủ tục Chấp thuận chủ trương đầu tư/GCN đầu tư, tổng vốn đầu tư 211,6 tỷ đồng, tổng diện tích 18,9 ha. Như vậy, đến nay, có 24 dự án đăng ký đầu tư vào CCN với tổng vốn đăng ký 2.065,8 tỷ đồng, tổng diện tích 68,0 ha.
.