Biến động giá nguyên liệu, xuất khẩu điều gặp khó khăn kép
Xuất khẩu điều tăng trưởng 2 con số
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, tháng 6/2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 65 nghìn tấn, trị giá 388 triệu USD, giảm 4,0% về lượng, nhưng tăng 4,8% về trị giá so với tháng 5/2024, tăng 8,4% về lượng và tăng 13% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 350 nghìn tấn, trị giá 1,92 tỷ USD, tăng 25% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến đến 90% phụ thuộc vào các quốc gia cung cấp điều thô từ châu Phi và Campuchia |
Tháng 6/2024, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 5.973 USD/tấn, tăng 9,2% so với tháng 5/2024 và tăng 4,2% so với tháng 6/2023. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước tính chỉ đạt 5.496 USD/tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu chủng loại 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu 3 chủng loại hạt điều W320, W204, W180, với tỷ trọng chiếm 68,85% tổng kim ngạch và ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt điều W320 đạt 105,5 nghìn tấn, trị giá 610,76 triệu USD, tăng 14,9% về lượng và tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu hạt điều W320 của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Hà Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, UAE, Anh… Xuất khẩu hạt điều W320 sang các thị trường trên đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan.
5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều W240 đạt 46,89 nghìn tấn, trị giá 294,54 triệu USD, tăng 44,1% về lượng và tăng 34,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu hạt điều W240 của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Irắc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê út, Mexicô, Hà Lan …
Dù xuất khẩu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm 2024, nhưng ngành điều Việt Nam đang đối mặt với tình hình biến động giá nguyên liệu. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, thời gian gần đây, Vinacas nhận được thông tin phản ánh từ phía doanh nghiệp về việc không nhận được đầy đủ nguyên liệu từ đối tác là các nước Tây Phi trước tình hình giá điều thô tăng mạnh.
Nguyên nhân là do sản lượng hạt điều tại khu vực Tây Phi giảm và một số nước như Bờ Biển Ngà áp dụng chính sách tạm ngưng xuất khẩu hạt điều thô để hỗ trợ các nhà máy sản xuất hạt điều nội địa.
Theo doanh nghiệp ngành điều, mặc dù đã ký hợp đồng mua điều thô ngay từ quý I/2024, tuy nhiên, trong 2 tháng qua, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam chỉ nhận được 1/3 đơn hàng đã ký hợp đồng nhưng lại là hạt điều chất lượng thấp, không đúng tiêu chuẩn chất lượng như đã ký kết. Không những vậy, giá giao hàng lại tăng cao gần 40% so với hợp đồng đã ký kết trước đó.
Lo ngại đơn hàng xuất khẩu cuối năm
Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về chế biến và xuất khẩu điều, có khả năng chế biến hàng năm từ 3,5 - 4 triệu tấn điều thô, nhưng nguồn cung trong nước ngày càng giảm đi. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu chế biến được đáp ứng trong nước, phần còn lại phải nhập khẩu, đặc biệt các nước Tây Phi chiếm tỷ lệ lớn, khoảng từ 70 - 75% (tương đương khoảng 2,3 triệu tấn/năm).
Sự biến động của giá điều và sản lượng sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm quý III và quý IV năm 2024. Đồng thời còn khiến doanh nghiệp Việt Nam không thể ký hợp đồng xuất khẩu với đơn vị mua trong quý III và quý IV bởi chưa xác định được giá nguyên liệu cụ thể và sản lượng hạt điều thô nhập khẩu về.
Không những vậy, các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn và đồng thời phải đảm bảo rằng giá bán vẫn cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng cạnh tranh hạn chế.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam – cho hay, với biến động giá nguyên liệu điều thô đã gây ra sự thay đổi trong cấu trúc nhu cầu của thị trường. Theo đó, với giá cả cao hơn, người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các loại hạt điều thay thế hoặc giảm lượng tiêu thụ. Điều này có thể làm giảm doanh số bán hàng và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều.
Mặt khác, nếu giá hạt điều tiếp tục tăng mạnh, các doanh nghiệp cần tìm cách tăng năng suất sản xuất hoặc tìm kiếm nguồn cung cấp hạt điều thô từ các nguồn khác nhau, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, tăng giá hạt điều thô cũng có thể gây ra các vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ các nhà sản xuất trong nước hoặc từ các quốc gia khác.
Trước tình hình trên, Vinacas có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, các bộ ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho ngành điều, trong đó có tác động các nước châu Phi gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu điều thô. Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vinacas kiến nghị quan tâm phát triển vùng nguyên liệu điều, phát triển bộ giống điều chất lượng, năng suất cao. Điều này sẽ giúp các nhà chế biến điều giảm bớt phụ thuộc nguồn nhập khẩu.