Bảo hiểm y tế có thể hoàn thành 93% độ bao phủ toàn dân tham gia
Cụ thể, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, 8 tháng năm 2023, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2022 với khoảng 17,227 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 251,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 15,81 triệu người; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,418 triệu người. Cả nước có 14,103 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 84,4 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.
Số người tham gia bảo hiểm y tế là 91,438 triệu người; tăng 4,335 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số thu tháng 8/2023 đạt 38.450 tỷ đồng (tăng 3.043 tỷ đồng (tương đương 8,6% so với cùng kỳ năm 2022). Lũy kế đến hết tháng 8/2023 là 296.561 tỷ đồng (tăng 27.546 tỷ đồng (tương đương 10,24% so với cùng kỳ năm 2022), đạt 61,7% kế hoạch giao.
Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,438 triệu người trong 8 tháng 2023 |
Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Lê Văn Phúc cho biết, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp tích cực với Bộ Y tế trong việc sửa Luật Bảo hiểm y tế, trong đó làm rõ, đề xuất những nội dung mới liên quan đến các danh mục thuốc, danh mục bệnh như khám chữa bệnh sàng lọc, bệnh dự phòng.
Tuy nhiên, về công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo ông Lê Văn Phúc, hiện có một số địa phương đang diễn ra tình trạng lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa như việc người bệnh không đi khám vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, bác sỹ không đi làm tại phòng khám nhưng vẫn ký cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội. “Đây chính là hạn chế, tồn tại trong việc không kiểm tra rà soát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế”- ông Phúc nói.
Đối với công tác chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong số chi trong tháng 8 so với tháng 7 tăng 1.000 tỷ đồng. Một số địa phương gia tăng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế lớn như Hà Nội (16,8%), cao nhất là Khánh Hòa với số chi 18%. Ông Lê Văn Phúc nhận định, việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh những tháng cuối năm là rất lớn, ước cả năm dự kiến chi trên 120.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến vượt từ 18-22%. Ngoài ra, công tác giám định bảo hiểm y tế, qua khảo sát thực tế đã rà soát, kiểm tra 538 cơ cở khám chữa bệnh, đối chiếu 3.600 bệnh nhân phát hiện 275 trường hợp nhập viện và khám chữa bệnh không hợp lý.
Đối với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn xảy ra ở một số địa phương như Đà Nẵng, Tây Ninh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có yêu cầu bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động báo cáo UBND, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để có phương án đấu thầu, mua sắm thiết bị vật tư y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh nhằm đảm bảo kịp thời quyền lợi cho người đi khám chữa bệnh.
Về công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ - thẻ Dương Văn Hào cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đặc biệt, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, công tác thanh tra - kiểm tra đã có những hiệu quả rõ rệt. Qua rà soát, đôn đốc gần 5.000 đơn vị, xử phạt 188 đơn vị, đạt 60% kế hoạch Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao. "Các địa phương đã có dấu hiệu chủ động hơn trong công tác thanh tra kiểm tra, trong đó chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng, phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế"- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đánh giá.
Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế |
Đánh giá cao các kết quả đạt được trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, độ bao phủ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022, riêng lĩnh vực bảo hiểm y tế có thể hoàn thành 93% độ bao phủ toàn dân tham gia. Đặc biệt, trong tháng 8, toàn ngành đã thực hiện tốt việc truy trả và chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo mức mới cho hơn 3,3 triệu người hưởng trên toàn quốc.
Từ những thành tích đạt được, trong các tháng cuối năm, ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, toàn ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các Luật liên quan đến nhiệm vụ của ngành thời gian tới. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Xây dựng các báo báo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời rà soát, nhận diện các rủi ro mà diễn biến thực tiễn hiện nay có thể xảy ra, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp trong triển khai nhiệm vụ.
Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có dấu hiệu trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng yêu cầu sớm hoàn thiện bộ tiêu chí dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước, giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong dự toán những năm về trước; công tác truyền thông cần tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó chú trọng dự báo, bám sát các biến động của kinh tế - xã hội, thị trường lao động liên quan đến hoạt động của ngành để có các kế hoạch, kịch bản đi trước, hướng dẫn kịp thời, cụ thể các cá nhân, tổ chức tham gia.