Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật
Theo đó, Kế hoạch số 357/KH-BHXH của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hướng tới mục tiêu thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đảm bảo quyền được thông tin về pháp luật của công dân, nâng cao ý thức chủ động nghiên cứu, học tập của công chức, viên chức trong ngành về pháp luật.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành; gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác tham gia xây dựng chính sách, tổ chức thi hành pháp luật. Tạo sự chuyển biến trong ý thức, tuân thủ chấp hành pháp luật của đơn vị sử dụng lao động và người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu: Quán triệt và thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng; quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật; bám sát nhiệm vụ được giao trong các văn bản pháp luật, các Quyết định, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương; đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Bên cạnh đó, gắn hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật với nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp; với hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, giải đáp, tư vấn, cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm an sinh xã hội; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động, tích cực thực hiện chuyển đổi số và phát huy sức mạnh của mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật .
Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, phân công rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành và điều kiện bảo đảm thực hiện. Kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần cụ thể, dễ hiểu, đảm bảo truyền tải đầy đủ thông tin đến các công chức, viên chức, người dân; lựa chọn hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng…