Thứ bảy 30/11/2024 07:36

Báo động về hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nhiều và có xu hướng gia tăng đang đặt ra những thách thức rất lớn đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Gia tăng hưởng BHXH một lần

Bên cạnh những mục đích đảm bảo an toàn thu nhập cho người lao động (NLĐ) khi gặp phải các rủi ro trong quá trình lao động như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, mất việc làm,.. mục tiêu mà chính sách BHXH hướng tới đó là đảm bảo thu nhập lâu dài đối với NLĐ khi hết tuổi lao động, mất khả năng lao động đồng thời có được sự đảm bảo chăm sóc y tế, chăm lo sức khỏe, đảm bảo chất lượng cuộc sống của NLĐ khi về già.

Với ý nghĩa đó, Nghị quyết 28 NQ/TW ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội”, đồng thời hướng tới mục tiêu “BHXH toàn dân”.

Người lao động sẽ bị mất nhiều quyền lợi, chế độ an sinh xã hội khi hưởng BHXH một lần

Tuy nhiên, hiện có một bộ phận lớn người lao động vẫn đang lựa chọn hưởng BHXH một lần từ đó dẫn tới những thách thức trong đảm bảo các mục tiêu chính sách BHXH đặt ra trong thời gian tới và cần có sự xem xét, nhìn nhận đánh giá một cách khách quan để từ đó có được những giải pháp phù hợp.

Tại Hội thảo “BHXH một lần ở Việt Nam - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” mới đây, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, ở nước ta số người hưởng BHXH một lần (không tiếp tục tham gia và rút ra khỏi hệ thống BHXH) có xu hướng gia tăng và vẫn đang duy trì ở tỷ lệ cao hàng năm.

Theo đó, năm 2006 chỉ có 240.191 người hưởng BHXH một lần, chiếm 3,82% số người tham gia BHXH thì con số này năm 2016 là 665.306 người, chiếm 4,7% và năm 2020 là 897.000 người, chiếm 5,57%. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên năm 2020, số người hưởng BHXH một lần nhiều hơn số người mới tham gia BHXH.

Còn đại diện Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH - thông tin, những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 - 39 chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2014-2018; những người hưởng BHXH một lần thường là những người có số năm đóng BHXH thấp; trong giai đoạn 2014 - 2018, có gần 50% số người đã hưởng BHXH một lần chỉ có dưới 3 năm đóng BHXH.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến xu hướng gia tăng hưởng BHXH một lần thời gian qua, chủ yếu là do NLĐ bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học, trang trải nợ nần... Bên cạnh đó, chính sách BHXH một lần còn khá thông thoáng, dễ dàng trong tiếp cận như hiện nay thì NLĐ sẽ tìm đến đó như là một công cụ tài chính trước mắt.

Tăng tính hấp dẫn của chính sách

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về vấn đề xã hội của Quốc hội - nhấn mạnh: Chính sách BHXH thể hiện rõ bản chất định hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách, pháp luật BHXH dần được hoàn thiện qua các lần sửa đổi luật, mở rộng diện bao phủ qua các năm. Tuy nhiên, tình trạng nhận BHXH một lần khiến nỗ lực vận động, mở rộng diện bao phủ BHXH phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Đối với NLĐ nhận BHXH một lần, đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là một thực trạng đáng báo động, đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ. Ngoài ra, việc NLĐ hưởng BHXH một lần có thể dẫn đến những thiệt thòi về quyền lợi trước mắt và cả lâu dài. Trong đó, khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già.

Để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài theo quy định tại Hiến pháp, đồng thời khắc phục những tồn tại của chính sách về hưởng BHXH một lần, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, một mặt cần nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH; mặt khác tiếp tục quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục BHXH; nâng cao chất lượng phục vụ của ngành BHXH, tạo thuận lợi tối đa cho người dân tham gia cũng như thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH.

Bên cạnh đó, nhằm tạo tính hấp dẫn để NLĐ chủ động tham gia và gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH, ông Lê Đình Quảng - khuyến nghị , thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH một cách đồng bộ, toàn diện, “trọn gói”, bởi chế độ BHXH một lần có liên quan chặt chẽ đến các chính sách khác của BHXH, nhất là chế độ hưu trí.

Ngoài ra, theo ông Lê Đình Quảng, hệ thống BHXH phải được hoàn thiện theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH.

Theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho một năm tham gia BHXH. Như vậy, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.
Hoa Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: Bảo hiểm xã hội

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An yêu cầu các đơn vị giải quyết hồ sơ cho F0 tại nhà hưởng BHXH

Trao tặng hơn 12 nghìn sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân khó khăn

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Dấu ấn 27 năm xây dựng và phát triển

Ngành bảo hiểm xã hội mang Tết ấm đến với người nghèo

Phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Tặng thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội cho các hộ nghèo

Ngành bảo hiểm xã hội: Thực hiện thắng lợi mục tiêu kép

Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu từ năm 2022

Sẽ có trên 2,9 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp

Dấu ấn ngành bảo hiểm xã hội năm 2021

Nghị quyết 21-NQ/TW: Khẳng định vai trò trụ cột an sinh của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Rà soát cấp thẻ bảo hiểm y tế năm 2022 cho người thuộc diện chính sách

Bao phủ bảo hiểm y tế học sinh sinh viên đạt 95,4%

Việt Nam - Hàn Quốc sẽ ký hiệp định về bảo hiểm xã hội song phương

Nghệ An: Hơn 172.000 lao động đã nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Nghệ An: Gia tăng tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

Tăng cường cảnh báo tin nhắn lừa đảo nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Hội nghị ASSA: Đảm bảo an sinh trong đại dịch Covid-19

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Lưu ý hạn nhận hồ sơ hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Bộ Công Thương: Đẩy mạnh thực hiện cải cách chính sách bảo hiểm xã hội