Muốn giảm lao động ở khu vực phi chính thức cần một loạt giải pháp
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương cho biết, hiện nay lao động trong lĩnh vực phi chính thức (lao động tự do) đang chiếm tỷ lệ lớn. Vì làm việc trong lĩnh vực phi chính thức nên họ không có chế độ gì cả. Ngay Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cho thấy hầu hết các chế độ chính sách liên quan đến bảo hiểm thường tập trung ở lao động khu vực chính thức.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương |
Để đảm bảo chế độ cho lao động ở khu vực phi chính thức, Chính phủ đang nỗ lực giảm lao động ở khu vực phi chính thức để tăng số lượng lao động ở khu vực chính thức. Khi số lượng lao động ở khu vực phi chính thức giảm đi có nghĩa số người, số lao động được hưởng các chính sách của Nhà nước tăng lên và năng suất lao động cũng tăng lên. Bởi khu vực phi chính thức thường năng suất lao động rất thấp. Từ đó, liên quan đến thu nhập của họ.
Hiện số lượng lao động ở khu vực phi chính thức rất đông. Muốn giảm lao động ở khu vực phi chính thức cần một loạt giải pháp. Đó là Chính phủ hiện đang hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp đang hoạt động thì được hỗ trợ để hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới thành lập, và khởi nghiệp. Vì doanh nghiệp mới thành lập sẽ thu hút một lượng nhất định lao động mới vào làm việc. Có chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì đây thường là doanh nghiệp lớn, thâm dụng lao động.
"Đó là những cách để chúng ta giảm dần tỷ trọng của lao động ở khu vực phi chính thức, chuyển sang khu vực chính thức" - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Ngoài ra, còn nhiều giải pháp khác nữa, ví dụ phải tập trung cho công tác đào tạo nghề, phân luồng học sinh ngay từ bậc sau THCS. Đó là định hướng giảm dần lao động ở khu vực phi chính thức.
Khu vực phi chính thức thường là lao động không được đào tạo. Có những lao động được đào tạo nhưng vẫn phải làm ở khu vực phi chính thức vì có nhiều khó khăn. Cho nên, chúng ta cần chú trọng đến công tác đào tạo nghề và phân luồng học sinh để giảm dần tỷ trọng của lao động phi chính thức.
Điều quan trọng là phải làm thế nào để phát triển được số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Đây chính là mấu chốt để lao động ở khu vực phi chính thức được hưởng các quyền lợi nhất định. Tuy rằng, quyền lợi của bảo hiểm xã hội tự nguyện không hoàn toàn giống như bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người lao động có khó khăn riêng khi phải đóng 100%, đóng theo thu nhập để được hưởng.
Vì vậy, thời gian tới cần phát triển tích cực bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có những sửa đổi đáng kể, theo đó tăng số lượng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội. Trước đây chủ doanh nghiệp gia đình không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng hiện nay đã thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Có quy định nhất định về rút bảo hiểm xã hội một lần.
"Để cho lao động ở khu vực phi chính thức mặn mà với đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cần đi kèm với các giải pháp khác nhau như tuyên truyền tích cực để người lao động thấy được quyền lợi và lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bởi lao động phi chính thức thu nhập bấp bênh, không có chế độ chính sách nào, không có lương hưu khi về già mà phải trông chờ vào trợ cấp hưu trí" - bà Nga nhấn mạnh.
Theo đại biểu, số tiền trợ cấp hưu trí trong một tháng đúng là mang tính trợ cấp, nghĩa là không được nhiều, khó đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động. Vì vậy, cần tuyên truyền cho người lao động thấy được sự cần thiết, lợi ích mà mình được hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bên cạnh đó, để giảm dần lao động ở khu vực phi chính thức thì cần phải tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề. Vì hiện nay công tác này còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, thiên về đào tạo những gì mình có chứ chưa thực sự hướng đến, nắm bắt xu hướng của thị trường.
Tạo thêm nhiều việc làm, tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện
Bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng, đầu tiên chính sách rất cơ bản để lao động tự do tránh khỏi những khó khăn, nâng cao đời sống cho họ là phải tạo ra công ăn việc làm. Có việc làm ổn định thì mới nâng cao được thu nhập, đời sống.
Tăng cường đào tạo nghề, dịch chuyển dần sang khu vực chính thức (Ảnh: Vân Khánh) |
Ví dụ như, nhóm lao động tại các làng nghề là lao động tự do với 11 triệu lao động đang bấp bênh do đầu ra của sản phẩm không ổn định. Do đó, phải tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Bởi có việc làm mới có thu nhập.
"Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, có nhiều quy định tiến bộ, trợ cấp cho người trên 75 tuổi mà không có lương hưu. Chính sách xã hội chúng ta luôn hướng tới làm sao hỗ trợ cho người yếu thế để làm sao ổn định cuộc sống, nhất là người già" - bà An nhận định.
Tuy nhiên, hiện nay lao động tự do, lao động vãng lai, như giúp việc gia đình, xe ôm, grap, shiper, mua bán đồ đồng nát có thu nhập rất bấp bênh. Vì thế, Chính phủ phải có chính sách để tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng phát triển.
Để lao động tự do thu nhập thấp tránh được những rủi ro, những vấn đề về sức khỏe cần tuyên truyền vận động để họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Vì thế, chúng ta cần tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện lên.
Vừa qua đã có một số chính sách như hạ thời gian đóng để hưởng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm, chế độ cho cán bộ cấp xã, trợ cấp thai sản nhưng chúng ta cần nghiên cứu, tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện lên để người lao động trong hoàn cảnh nào họ cũng có thể tham gia bảo hiểm xã hội. Đó chính là vấn đề an sinh đến cuối đời của họ.
"Cần tăng độ hấp dẫn bảo hiểm xã hội tự nguyện lên bằng cách nghiên cứu tăng các trợ cấp khác để người lao động đỡ vất vả. Khi thấy hấp dẫn và tin tưởng thì họ sẽ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện" - bà Bùi Thị An đề nghị.
Bà An nêu thực tế, hiện nay có việc có người có tiền nhưng họ không đóng bảo hiểm xã hội vì họ thấy không hấp dẫn. Còn có người muốn tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chưa đóng được do thu nhập bấp bênh, không ổn định. Số tiền đóng có thể nhỏ so với một số người nhưng lại là rất lớn so với một số gia đình. Vì thế, chúng ta cần tính toán thêm để tăng độ hấp dẫn và tin tưởng lên. Khi thấy được hưởng nhiều quyền lợi hơn thì họ cũng sẽ tham gia.
Đồng thời, cần tiếp tục cải cách hành chính, làm cho các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội được nhẹ nhàng, để cho người dân muốn đóng dễ dàng hơn, tin tưởng hơn về việc đóng bảo hiểm xã hội. Qua đó, chúng ta tiến tới độ bao phủ của bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng.