Báo chí và doanh nghiệp: thông tin truyền thông cần phải chuẩn mực
Ông Lê Xuân Sơn -Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - cho biết, ngày nay truyền thông kỹ thuật số trong thời đại 4.0 tạo ra nhiều cơ hội nhưng không ít những thách thức cho giới truyền thông và cả doanh nghiệp. Mục tiêu của buổi hội thảo nhằm giúp cho các doanh nghiệp định hướng xây dựng thương hiệu truyền thông trong thời đại số, giải quyết khủng hoảng nếu xảy ra. Hội thảo cũng là dịp để các doanh nghiệp có thái độ, ứng xử, chiến lược xây dựng thương hiệu, tìm tiếng nói chung về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. “Từ hội thảo này, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp thêm thông tin, kinh nghiệm thực tế để cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận toàn diện, đưa ra giải pháp quản lý để môi trường truyền thông trong sạch, tận dụng sức mạnh cuả truyền thông kỹ thuật số và hạn chế bớt mặt trái của nó trên các kênh truyền thông”, ông Sơn phát biểu.
Ông lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền Phong phát biểu khai mạc hội thảo |
Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông kiêm Giám đốc Trung tâm báo chí TP.Hồ Chí Minh - cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh hiện có 30 cơ quan báo chí, trong đó có 11 cơ quan báo chí có phiên bản điện tử và 161 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương khác đã đăng ký hoạt động trên địa bàn. Về hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố, ông Lương đánh giá, nhiều báo đào địa phương và trung ương đã có những bài viết hay, kịp thời thông tin về cách chính sách của nhà nước, của thành phố. Tuy nhiên, đã có tình trạng xẩy ra khi đưa thông tin bất lợi cho doanh nghiệp, một số cơ quan báo chí có chủ ý, chủ đích chứ không phải là vô ý, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Theo ông Lương, TP. Hồ Chí Minh đã mở rất nhiều cuộc giao ban, tích cực đẩy mạnh công tác tuyền truyền. Trước vấn đề nóng được xã hội quan tâm, có nhiều chính sách lớn tác động người dân, các cuộc giao ban báo chí này cần cung cấp thông tin cho báo chí sẽ được tổ chức nhiều hơn.
Chia sẻ về khâu xử lý thông tin báo chí, nhất là trên không gian kỹ thuật số, ông Tô Đình Tuân -Tổng biên tập Báo Người Lao Động - nhìn nhận, việc thông tin nhanh-hay-chính xác là rất cần thiết, đây là tiêu chí quan trọng của báo chí, nhưng trong bối cảnh như hiện nay, báo chí cần có thêm 2 tiêu chí là thông tin có trách nhiệm và nhân văn. ông Tuân nói rằng, mạng internet toàn cầu phát triển mạnh đã tạo nên sự thay đổi lớn trong lĩnh vực truyền thông. Việc thông tin sai lệch, tin giả có thể gây tổn thương, thậm chí hủy hoại thương hiệu của doanh nghiệp cực kỳ lớn. Hầu hết các doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng, phát triển thương hiệu, song giá trị thương hiệu đó có thể bị đè bẹp, thậm chí xóa sổ trước làn sóng thông tin trong kỷ nguyên số chỉ trong một khoảng khắc rất nhỏ. Theo ông Tuân, doanh nghiệp, doanh nhân ngày nay phần lớn là những tổ chức, cá nhân có khát vọng vươn lên làm giàu, tiếp thu công nghệ mới, chinh phục những đỉnh cao. Những thành quả tốt đẹp mà doanh nghiệp-doanh nhân Việt Nam mang lại cho đất nước rất cần được báo chí và xã hội tôn vinh. Vì vậy, báo chí- truyền thông và doanh nghiệp - doanh nhân không phải là đối thủ mà nên là những người bạn đồng hành trên con đường đi tới tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vẹn, Giám đốc cơ sở 2 Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh đặt ra một vấn đề không mới nhưng cần thiết đối với những người hoạt động trong ngành báo. Theo ông Vẹn, báo chí truyền thông cách mạng có một mục đích chung truyền thông để giải quyết bài toán phát triển đất nước. Mỗi cá nhân tham gia truyền thông kỹ thuật số, môi trường mạng ảo cần nghiêm túc chấp hành luật pháp về bảo mật thông tin, an ninh mạng và các quy định của pháp luật, có ý thức trách nhiệm giữ gìn văn hóa, không làm tổn thương trên cộng đồng mạng, định hướng truyền thông tin có lợi ích cho sự phát triển của doanh nghiệp và của đất nước. Chính sách phát triển và quản lý truyền thông kỹ thuật số hiệu quả sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần ổn định an ninh, chính trị, kinh tế, trong đó có sự phát triển của truyền thông số của Việt Nam.
Các diễn giả tham gia hội thảo |
Ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, trong môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp, đám đông luôn có một sức mạnh vô hình lẫn hữu hình, nhất là một số tin đồn thất thiệt trên mạng khiến báo chí rất dễ bị rơi vào “bẫy, dễ dẫn tới “khủng hoảng truyền thông”. Do đó, khi đưa tin về doanh nghiệp, nhà báo luôn phải tỉnh táo giải mã các hiện tượng tin đồn trong xã hội, nhất là những thông tin trên mạng xã hội gây bất lợi cho các doanh nghiệp, từ đó tạo dựng mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trở nên gắn bó mật thiết hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải có chiến lược và chiến thuật để xử lý khủng hoảng trước những tin đồn thất thiệt trong môi trường truyền thông số.
Theo ông Lợi, một nền báo chí giàu tính chiến đấu và tính nhân văn là nền báo chí dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức. Thời cuộc càng biến động, xã hội hiện đại càng chịu nhiều áp lực, va đập của nhiều xu hướng, hiện tượng trong thời đại thông tin kỹ thuật số thì cùng với tính chiến đấu, tính nhân văn của báo chí càng phải được đề cao. Đó là lúc báo chí vừa phục vụ công cuộc phát triển đất nước vừa bảo vệ bình yên xã hội, bình yên dưới những nếp nhà, bình yên trong lòng người. Mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí đều có cách làm riêng của mình để phụng sự, để tồn tại và phát triển, vượt qua những thách thức trong kỷ nguyên số, trong áp lực tự quản, tự chủ về tài chính... Nhưng những nguyên tắc cơ bản, những giá trị phổ quát, trong đó có giá trị đạo đức nghề nghiệp và luật pháp phải luôn được những người làm báo tuân thủ, thực hiện nghiêm túc, cùng nhau xây dựng một nền báo chí dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.
Tham dự hội thảo, nhiều doanh nghiệp cho rằng, báo chí là một phần quan trọng trong sự gầy dựng và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Một doanh nhân kinh doanh bất động sản nói rằng, trong hoạt động kinh doanh khó mà tránh được những sai sót, những sai sót không chú tâm này rất cần báo chí nhìn đúng bản chất của vấn đề để truyền thông đúng, vừa giúp độc giả có cái nhìn khách quan vừa giúp doanh nghiệp sửa sai, nhất là trên không gian mạng.