Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng vai trò của báo chí trong việc đóng góp và phản biện chính sách. Thực tế là báo chí đã có những ưu thế và đóng góp quan trọng trong việc đưa chính sách đến gần với người dân. Báo chí cách mạng Việt Nam đã chủ động tổ chức các diễn đàn và tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia, và mọi tầng lớp nhân dân để đóng góp ý kiến cho chính sách và pháp luật của Nhà nước. Điều này tạo ra một môi trường đa chiều và phản biện, trong đó các ý kiến và quan điểm đa dạng được thể hiện một cách công khai.
Còn nhớ, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, cũng như đình trệ kinh tế, thông qua các bài phỏng vấn chuyên gia y tế, các cơ quan có trách nhiệm, báo chí giúp người dân hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng ngừa, các quy định cần tuân thủ để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.
Nhiều phóng viên báo chí tác nghiệp giữa tâm dịch, giúp người dân hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng ngừa, các quy định cần tuân thủ để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng |
Báo chí cũng tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, thực hiện vệ sinh cá nhân... giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và duy trì sự an toàn cho cộng đồng. Đặc biệt, việc cung cấp thông tin chính xác và tin cậy hiệu quả của vắc xin trong việc giảm nguy cơ nhiễm Covid-19, nguy cơ nặng và tử vong, cũng như ngăn chặn sự lây lan của virus đã giúp tạo niềm tin và sự sẵn sàng tiêm vắc xin của người dân, góp phần quan trọng làm nên thành công của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.
Vai trò quan trọng của báo chí trước đó cũng được thể hiện rõ trong việc thay đổi nhận thức và tạo đồng thuận của người dân đối với quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Với hàng ngàn bài viết tuyên truyền về lợi ích của đội mũ bảo hiểm, chia sẻ thông tin về hậu quả tai nạn giao thông, về các cuộc chiến dịch kiểm soát và xử lý vi phạm… báo chí đã giúp người dân dần nhận thức và đồng thuận với quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tạo nên sự ủng hộ và tuân thủ từ phía cộng đồng.
Đặc biệt, thời gian qua, trên diễn đàn báo chí đã đăng tải rất nhiều nội dung liên quan đến việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đã có rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp để hoàn chỉnh Dự thảo. Các ý kiến đóng góp khá toàn diện; trong đó tập trung vào một số nội dung như quy định về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất... Điều đáng nói là cả nội dung Dự thảo luật đến các ý kiến đóng góp thảo luận của Quốc hội, của các chuyên gia tại các cuộc hội thảo đến ý kiến của người dân trên mọi miền đất nước đều được báo chí phản ánh khá đầy đủ trên các phương tiện truyền thông. Có thể nói, chưa bao giờ một Dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu rộng, xác đáng của người dân, chuyên gia như Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đó là nhờ một phần sự đóng góp tích cực của báo chí.
Trách nhiệm, phụng sự, nhân văn
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, với sứ mệnh của một nền báo chí trách nhiệm, phụng sự và nhân văn, những năm qua, báo chí nước nhà đã khẳng định vai trò phản biện chính sách và đưa chính sách đến gần với người dân, vì lợi ích của nhân dân và đất nước.
Cụ thể, thông qua việc tường thuật, phân tích và giải thích các quyết định chính sách, đồng thời, đăng tải ý kiến của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác, báo chí giúp người dân hiểu rõ hơn về mục tiêu, quyết định và hiệu quả của chính sách. Đặc biệt, những năm gần đây, tận dụng sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội như: Facebook, Twitter, YouTube… và các ứng dụng trò chuyện, báo chí tạo ra một kênh giao tiếp hai chiều với người dân, cho phép họ gửi câu hỏi, đóng góp ý kiến và tương tác trực tiếp với các nhà báo và quan chức chính phủ; giúp nâng cao hiểu biết và sự tham gia của người dân, tạo sự tin tưởng và nhất quán trong xã hội.
Phóng viên Báo Công Thương phỏng vấn chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long về các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 |
Cho rằng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) may mắn có được sự đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM ghi nhận, trong nhiều trường hợp, việc tiếp nhận ý kiến, chia sẻ của các nhà báo, phóng viên giúp CIEM có thêm những “chất liệu”, “ý tưởng” để làm cụ thể, vững chắc hơn những kiến nghị, giải pháp liên quan đến tham mưu và phản biện chính sách.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, cơ quan báo chí, truyền thông đã phản ánh các điểm nóng chính sách được doanh nghiệp và người dân quan tâm, từ đó cung cấp những thông tin, ý kiến góp ý để CIEM thực hiện tốt hơn chức năng nghiên cứu, tham mưu chính sách của mình. Theo bà Minh, hoạt động tham mưu xây dựng chính sách không phải là những nhiệm vụ riêng lẻ để chỉ làm cho xong, mà là cả một tiến trình dài, liên tục. Vì vậy, với mỗi chính sách, đề án hoàn thành, đều muốn thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông để đưa những nhiệm vụ, giải pháp vào cuộc sống.
Với đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), công tác truyền thông báo chí giữ cực kỳ quan trọng trong việc tuyên truyền phổ biến chính sách sách của Đảng và Nhà nước, đến từng người dân, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh. Nó cũng phản ảnh độ “thấm” của chính sách đến các chủ thể.
Báo chí cũng phản ảnh chính sách mới đến những người dân, doanh nghiệp cũng như ghi nhận phản hồi của doanh nghiệp, người dân về cơ chế đổi mới chính sách, giúp các cơ quan làm chính sách nắm được, từ đó có sự điều chỉnh sao cho chính sách phù hợp cuộc sống.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hồng Minh, vai trò phản biện chính sách của các cơ quan báo chí, truyền thông đang đứng trước một số thách thức. Một mặt, các vấn đề chính sách đang ngày càng trở nên phức tạp, đa chiều, thậm chí có tính thời sự ở một số thời điểm. Chính vì vậy, cơ quan báo chí và truyền thông cần không ngừng cập nhật, tiếp thu đánh giá thực tiễn về dư địa chính sách, nhu cầu của doanh nghiệp để có những kiến nghị đủ khả thi. Mặt khác, không chỉ đưa tin, mà báo chí cần tham gia phản biện hiệu quả hơn với những vấn đề chính sách mới.
Phóng viên luôn kịp thời đưa tin về các ý kiến đóng góp về chính sách |
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để khẳng định vai trò phản biện chính sách và đưa chính sách đến gần với người dân, báo chí phải tập hợp, tổng hợp đầy đủ hơn, khách quan hơn, đi sâu tìm hiểu nắm chắc vấn đề để từ đó có thông tin toàn diện, chính xác, khách quan. Báo chí nên đầu tư thời gian và công sức để nghiên cứu và thu thập thông tin đầy đủ về các chính sách; trước khi công bố thông tin, báo chí cần kiểm tra và xác thực thông tin để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, báo chí cần đảm bảo tính độc lập và khách quan trong việc truyền thông về chính sách. Đồng thời, đầu tư thời gian và công sức để nghiên cứu và phân tích chính sách một cách kỹ lưỡng. Việc này giúp tạo ra các bài viết và bản tin chất lượng cao, cung cấp thông tin đáng tin cậy và phân tích sâu sắc về các chính sách. Báo chí cũng nên tạo ra không gian cho thảo luận và sự đa chiều về chính sách. Các cuộc phỏng vấn và bài viết phản biện cũng nên được khuyến khích để thể hiện các quan điểm khác nhau và khám phá các mặt trái của chính sách.
Những nỗ lực và đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu sắc trong việc đưa chính sách đến gần hơn với người dân và góp phần vào sự phát triển của đất nước.