Bạn đọc quan tâm 24h: Cựu trưởng phòng Thi hành án cướp tiệm vàng; bom hơn 300kg bất ngờ phát lộ
Kẻ cướp tiệm vàng từng làm trưởng phòng thi hành án tỉnh Trà Vinh
Ngày 7/10, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, đang điều tra vụ cướp xảy ra tại tiệm vàng Toàn Huỳnh Châu, đường Lê Lợi, TP. Trà Vinh. Nghi phạm gây ra vụ cướp này được xác định là Nguyễn Văn Tam (48 tuổi, ngụ phường 1, TP. Trà Vinh).
Nguyễn Văn Tam (đồ đen) giằng co với chủ tiệm vàng. Ảnh trích xuất từ Camera. |
Kết quả tra ban đầu xác định, khoảng 10h15 ngày 6/10, Nguyễn Văn Tam đi bán chiếc nhẫn trị giá hơn 7 triệu đồng tại tiệm vàng do ông Toàn (44 tuổi, ngụ phường 4, TP. Trà Vinh) làm chủ. Trong lúc ông Toàn đang kiểm tiền để trả, Tam bất ngờ dùng tay đánh ông Toàn và có ý định lao vào quầy giao dịch để chiếm đoạt tài sản.
Bị tấn công, ông Toàn lấy máy tính và cây ném về phía Tam rồi tri hô. Tam bỏ chạy ra ngoài. Chủ tiệm vàng và người giúp việc đuổi theo cùng người dân truy bắt, khống chế được nghi phạm giao cơ quan công an.
Tại cơ quan công an, Tam khai nhận, trước tháng 6/2023, Tam làm Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Trà Vinh. Do thiếu nợ rất nhiều nên từ ngày 1/6/2023, Tam nghỉ việc và đi xuất khẩu lao động kiếm tiền trả nợ.
Làm việc ở nước ngoài được 3 tháng, Tam trở về Việt Nam. Do bị các chủ nợ liên tục đòi nợ, Tam nảy sinh ý định cướp tiệm vàng để trả nợ.
Sau mưa lũ ở Yên Bái, lộ quả bom hơn 300kg
UBND xã Yên Thái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, Khoảng 7h15 ngày 7/10, người dân phát hiện một quả bom bị mưa lũ cuốn theo đất đá trôi ra, nằm ở mép bờ suối tại thôn Tân Thành thuộc xã này và báo cáo sự việc với cơ quan chức năng.
Qua xác minh sơ bộ ban đầu, đây là loại bom Mỹ thả trong chiến tranh phá hoại miền Bắc vào giai đoạn 1968 – 1970, vỏ bom đã rỉ sét, có đường kính là 0,42m, chiều dài 1,2m, trọng lượng 340kg.
Quả bom nặng 340kg phát lộ sau mưa lớn kéo dài. |
Theo nhận định của lực lượng chức năng, do mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở đất đá và cuốn trôi quả bom về khu vực kể trên.
Lực lượng chức năng địa phương ngay khi nhận được tin báo đã có mặt tại hiện trường lập biên bản, báo cáo; đồng thời, hướng dẫn người dân tạm thời di chuyển đến nơi an toàn.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Văn Yên hiện đã làm các thủ tục bàn giao cho Ban Chỉ huy quân sự xã Yên Thái canh gác bảo đảm an toàn để làm thủ tục hủy nổ quả bom.
Hơn 1.000 người biểu diễn hát Then, đàn Tính
Ngày 7/10, tại Khu du lịch thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) đã diễn ra Chương trình hát Then, đàn Tính năm 2023 với sự tham gia của 1.000 người.
Điểm nhấn của Lễ hội thác Bản Giốc năm 2023 là Chương trình có 1.000 nghệ sỹ và diễn viên quần chúng, mặc trang phục nguyên gốc Tày, Nùng cùng biểu diễn. Sự kiện đã thu hút đông đảo du khách; đồng thời, xác lập kỷ lục số lượng người mặc trang phục dân tộc biểu diễn hát Then, đàn Tính lớn nhất Việt Nam.
Đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục cho UBND tỉnh Cao Bằng với màn công diễn hát Then, đàn Tính. Ảnh: TTXVN |
Chương trình hát Then, đàn Tính năm 2023 gồm các ca khúc: Ánh trăng Bản Giốc (sáng tác Phạm Tịnh); Đường về bản em (sáng tác Đàm Thanh); Hoa rừng quê em (sáng tác Hoa Cương)… những làn điệu dân ca đặc sắc của người Tày, Nùng. Hát Then chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng dân ca, dân vũ phong phú và đa dạng của người dân nơi đây; thường được biểu diễn trong các ngày Lễ, Tết, chúc thọ của đồng bào dân tộc.
Làn điệu Then mượt mà, sâu lắng, cùng âm sắc cao vút của đàn Tính đã thu hút, in đậm trong tâm trí của các thế hệ người dân tỉnh Cao Bằng và du khách trong và ngoài nước.
Ngày 12/12/2019, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogota, Thủ đô nước Cộng hòa Colombia.
Đây cũng là dịp tuyên truyền, gìn giữ, phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật truyền thống hát Then, đàn Tính, góp phần quảng bá rộng rãi loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này nhằm quảng bá vẻ đẹp của thác Bản Giốc nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung để thu hút du khách đến với huyện Trùng Khánh và tỉnh Cao Bằng.
Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển du lịch ở địa phương, phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.