Bài 2: Để có bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Sẽ kiện toàn đầu năm 2017
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương và dự kiến được Chính phủ thông qua trong tháng 12 năm 2016. Thông tin về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đã nhận được nhiều sự quan tâm không những của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, lao động có liên quan tới ngành công thương mà còn có sự quan tâm của cả xã hội. Hầu hết các ý kiến đồng tình và ủng hộ với phương án cơ cấu lại tổ chức bộ máy của Bộ Công Thương theo hướng tinh gọn như dự thảo Nghị định. Theo quy định, Bộ Công Thương sẽ tiến hành các bước tiếp theo khi thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức là xin ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Sự thay đổi so với phương án đã được đưa ra (nếu có) sẽ do Chính phủ quyết định. Khi có cơ cấu tổ chức mới, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ họp, trao đổi và Bộ trưởng sẽ quyết định việc phân công nhiệm vụ cho các Thứ trưởng. Dự kiến, việc kiện toàn bộ máy sẽ hoàn thành trong đầu quý I-2017.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khi triển khai sắp xếp lại bộ máy, Bộ Công Thương cũng đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Tổ chức bộ máy cũ đang hoạt động tương đối trơn tru (mặc dù còn cồng kềnh, chồng chéo), nay thay đổi theo cơ cấu tổ chức mới, chức năng nhiệm vụ mới, phương thức hoạt động mới. Do đó, sẽ cần thời gian ban đầu để bộ máy mới dần đi vào ổn định. Bộ máy mới tinh gọn hơn nhưng công việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các tổng cục, cục, vụ, viện phải chia tách hay sáp nhập sẽ bị xáo trộn. Do đó, việc kiện toàn lại bộ máy này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới một số lượng nhất định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc bộ.
Ký kết hợp tác để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Sàng lọc con người
“Vấn đề cấp bách cần giải quyết khi sắp xếp lại bộ máy đó chính là vấn đề về con người. Bởi khi sáp nhập các vụ, cục, tổng cục sẽ phát sinh một số lượng nhất định các công chức, viên chức và người lao động dôi dư. Việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết lao động dôi dư đòi hỏi phải bảo đảm hợp lý, hợp tình đồng thời bảo đảm đúng các quy định hiện hành của Nhà nước”-lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng: Theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, lộ trình đến năm 2021 số lượng biên chế tinh giản là 10% (trung bình mỗi năm tinh giản 1,5%). Chủ trương tinh giản của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp trong giai đoạn hiện nay và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10-12-2015 về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Trong quá trình Bộ Công Thương làm dứt khoát là phải thừa nhân sự, bao gồm cả công nhân viên và cán bộ lãnh đạo. Cái đó bắt buộc chúng ta phải sàng lọc, những người thừa ra chọn người nào tốt phù hợp, có năng lực phát triển thì sẽ sử dụng, điều chuyển vị trí khác cho phù hợp. Tạo điều kiện tìm việc làm mới trong các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc bộ đối với nhân sự có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Những trường hợp năng lực, trình độ kém, sức khỏe không bảo đảm sẽ thực hiện giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, hoặc cho về nghỉ chính sách... buộc chúng ta phải chấp nhận. Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý có thể điều chuyển xuống cơ sở, tăng cường cho các vị trí dưới cơ sở những nơi đang cần.
Nên mở rộng phạm vi sắp xếp
PGS, TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, một cán bộ giàu kinh nghiệm từng làm việc trong ngành công thương, cho biết: Việc cải tổ bộ máy, tinh giản biên chế đáng ra phải làm lâu rồi, sắp xếp lại 35 cục, vụ, viện giảm còn 28, bớt được 7 đầu mối là tốt nhưng cần rút gọn nhiều hơn. Đặc biệt, khối doanh nghiệp do Bộ Công Thương quản lý cần rà soát lại, đơn vị nào hoạt động không có lợi nhuận thì phải giải tán, đẩy mạnh cổ phần hóa để doanh nghiệp tự chủ quản lý kinh doanh. Một số đơn vị sự nghiệp như viện, trường học cũng cần phải được rà soát lại. Về lâu dài, sau khi sắp xếp khối các cục, vụ, viện, khối các doanh nghiệp, tập đoàn rất lớn như: Petrolimex, Habeco, Sabeco, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản… cũng phải được cải tổ, đẩy mạnh việc sắp xếp, cổ phần hóa.
Theo chuyên gia nội vụ Trịnh Gia Hiểu, việc Bộ Công Thương dự kiến kiện toàn, tinh giản, đổi mới bộ máy theo hướng rút gọn, sáp nhập nhiệm vụ; đây là sáp nhập nhiệm vụ chứ không phải sáp nhập cán bộ, công chức, viên chức, do đó, những vấn đề đặt ra và nổi lên Bộ Công Thương cần tập trung giải quyết đó là: Việc sáp nhập này chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng dôi dư cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại một số đơn vị, kể cả cán bộ lãnh đạo vụ, cục của những đơn vị sáp nhập này. Mặt khác, cán bộ là cái gốc của công việc, sắp xếp lại chỉ hiệu quả khi tạo ra đội ngũ cán bộ tốt, đặc biệt là việc cải tổ có dám “đụng chạm” đến những cán bộ “con ông cháu cha” hay không?
Dàn công nghệ trung tâm số 2 ở mỏ Bạch Hổ. Ảnh: CẤN DŨNG |
Từ phác thảo đại cương đến đề án hoàn thiện
Có thể thấy, những nội dung sắp xếp lại bộ máy mà Bộ Công Thương công bố mới là những phác thảo đại cương, song sẽ có hàng loạt việc phải làm đi cùng, nhiều khó khăn vướng mắc phải tháo gỡ. Những vấn đề dư luận băn khoăn về các "khối u" cần cắt bỏ, những tiêu cực, hạn chế ở một số doanh nghiệp, dự án chắc chắn cũng sẽ được giải quyết. Hiện tại, dư luận đang rất quan tâm trong đợt thay đổi cơ cấu nhân sự này, ngoài các cục, vụ, Bộ Công Thương có tiếp tục thay đổi nhân sự ở các đơn vị doanh nghiệp trực thuộc bộ này hay không?
Trả lời báo chí, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết thêm: "Trước mắt sẽ tiến hành sắp xếp nhân sự ở các đơn vị thuộc bộ. Về nhân sự của tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ cũng sẽ được tính toán và thực hiện trong thời gian tới". Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, lãnh đạo bộ quyết tâm đổi mới. Cải cách bộ máy hành chính là cấp bách cần làm ngay, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc cải cách nhân sự được tiến hành công khai, minh bạch đúng quy định nhằm bảo đảm bộ máy được vận hành hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Thời gian không còn nhiều, chúng ta phải quyết liệt đổi mới. Chậm cải cách ngày nào, quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn”.
Nguyên Minh - Kim Dung - Hoàng Nhưỡng - Báo qdnd.vn xuất bản ngày 06/12/2016