Bài 1: Góc nhìn từ doanh nghiệp
Lợi ích lớn nhờ sử dụng thiết bị hiệu suất cao
Hiện, cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trong đó 2.596 cơ sở sản xuất công nghiệp, 10 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 55 đơn vị vận tải, 407 công trình xây dựng.
Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiêu thụ hàng năm khoảng trên 34,3 triệu TOE, chiếm hơn 51% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng và 33% lượng điện tiêu thụ của cả nước.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết: Nếu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm, mỗi năm, cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng. Tương tự, số khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc; nếu tiết kiệm 1% điện năng tiêu thụ/năm, mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng.
Thời gian qua ngành điện đã có nhiều hoạt động tuyên truyền các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn |
Việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam trong khối các doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn như hóa chất, vật liệu xây dựng (xi măng, gốm sứ, nhựa, thép…). Chi phí năng lượng đối với nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm.
Như vậy, theo mục tiêu của Chính phủ về tiết kiệm điện 2%/năm, số tiền do sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả lên trên 5.000 tỷ đồng/năm, con số này vẫn còn tăng lên theo nhu cầu điện thương phẩm, nếu tính cả các ngành năng lượng khác, thì con số còn lớn hơn rất nhiều.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hệ số đàn hồi (hiệu quả sử dụng năng lượng/GDP) của Việt Nam đã có bước chuyển đáng kể (trước năm 2015, hệ số đàn hồi lớn hơn 2, hiện nay đạt khoảng 1,29), tuy nhiên, vẫn còn cao so với các nước phát triển, thậm chí trong khu vực.
Những điểm sáng
Là một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, những năm gần đây Công ty Cổ phần (CP) Nnhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng.
Ông Trần Nhật Ninh -Phó giám đốc kỹ thuật Công ty NTP - cho biết: Là doanh nghiệp có mức tiêu thu điện tương đối cao, điện năng chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, NTP nhận thức việc sử dụng điện tiết kiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung cấp điện trong hệ thống, đặc biệt trong dịp cao điểm như mùa hè nắng nóng.
Ước tính, nhu cầu sử dụng điện của NTP khá cao, năm 2022, công suất trung bình khoảng 5.030 kWh, kết thúc năm 2022, sản lượng điện mà NTP tiêu thụ đạt 43.590.434 kWh.
Chính vì vậy, thời gian qua, NTP đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý và kỹ thuật để sử dụng điện tiết kiệm. Cụ thể, công ty thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị tiêu thụ điện năng để tránh làm hao tổn điện năng; tiết giảm điện tiêu thụ cho hệ thống khí nén bằng cách lắp biến tần cho động cơ nén khí và khắc phục kịp thời các điểm rò rỉ khí nén trên hệ thống.
Nhiều giải pháp tiết kiệm điện Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong thực hiện qua đó giúp công ty nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường |
Đặc biệt, công ty đã triển khai các giải pháp mang tính đầu tư lớn thông qua chuyển đổi sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao thay thế các thiết bị có hiệu suất thấp.
Công ty đã đầu tư và đưa vào sử dụng các máy làm lạnh mới kiểu nén xoắn ốc sử dụng hệ điều khiển biến tần - động cơ có chỉ số hiệu quả COP cao, đạt tiêu chuẩn thay thế cho các máy lạnh kiểu máy nén trục vít cũ chỉ số hiệu quả COP thấp. Bên cạnh đó, NTP sử dụng tháp giải nhiệt nước với công suất chỉ 7,5 kW thay thế cho máy làm lạnh nước có công suất 40kW để cấp nước làm mát cho các máy tạo hạt; đầu tư hệ thống máy ép phun mới sản xuất phụ tùng PVC, phụ tùng PE-PPR sử dụng hệ điều khiển biến tần - động cơ servo, có năng suất, hiệu quả sử dụng điện cao và nâng cao năng lực sản xuất.
Song song với đó, NTP từng bước thay thế dần các đèn cao áp Hadile 250W chuyển sang đèn LED cao áp 120W có hiệu suất phát quang cao tại các khu vực xưởng sản xuất. Ngoài ra, sử dụng 100% đèn chiếu sáng LED tiết kiệm điện 100W, hiệu suất sử dụng cao tại khu vực nhà xưởng mới và đường nội bộ khu vực mới.
Để công tác tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả cao, công ty đã xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng từ đầu năm và tổng hợp, đánh giá kết quả sử dụng điện hàng tháng của các nhà máy sản xuất.
Ngoài ra, thông qua công cụ quản lý, NTP giao chỉ tiêu KPI cho các đơn vị sản xuất để nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng cho từng bộ phận và cán bộ công nhân viên; Áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO50001:2018.
Hưởng ứng chương trình tiết kiệm điện của Bộ Công Thương và EVN, EVNNTP đã ký kết hợp đồng thỏa thuận điều chỉnh phụ tải DR với Công ty Điện lực Hải Phòng, đề xuất phương án điều chỉnh phụ tải linh hoạt khi hệ thống thiếu hụt công suất vào giờ cao điểm.
Nhờ đó, năm 2022, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ghi nhận 5.685 tỷ đồng doanh thu thuần và 479,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 18% và 2,7% so với năm 2021. So với các kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã hoàn thành 110% kế hoạch doanh thu và 121,3% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Dây chuyền sản xuất ống PE 1 lớp hiện đại, tiết kiệm năng lượng của NPT |
Để thực hiện có hiệu quả chương trình Tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải (DR), NTP đã giao cho bộ phận kỹ thuật điện làm đầu mối, phối hợp với điện lực để trao đổi, cập nhật thông tin trực tiếp. Nếu cần tiết giảm toàn bộ công suất cả nhà máy, công ty bố trí công nhân nghỉ hoặc bố trí bảo dưỡng dây chuyền máy móc. Với những giải pháp đồng bộ trên, NTP tự hào là một trong những công ty hàng đầu đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa giai đoạn 2015 - 2021 của Bộ Công Thương.
Cũng liên quan đến vấn đề điều chỉnh phụ tải, ông Trương Văn Lợi - Giám đốc Công ty CP Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) cho biết, công ty đã phối với Công ty Điện lực Thanh Hóa để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải. Từ năm 2019 - 2021, công ty đã tiết giảm 105MW. Đặc biệt, trong năm 2022, công ty đã thực hiện tiết giảm đến 80MW vào các khung giờ cao điểm nắng nóng.
"Để phối hợp thực hiện tốt công tác DR, chúng tôi đã phân loại dây chuyền sản xuất ra nhiều hạng mục, qua đó đánh giá các mức độ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty khi các hạng mục này phải ngừng sản xuất. Đồng thời, phối hợp với ngành điện xây dựng quy trình phối hợp giữa hai đơn vị nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải, đặc biệt là trong các trường hợp DR khẩn cấp" - ông Trương Văn Lợi chia sẻ.
Việc doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ động chuyển đổi sang sử dụng các thiết bị hiệu suất cao nhằm tiết kiệm năng lượng đã góp phần không nhỏ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. |
Còn tiếp: Bài 2 - Phát triển thị trường dán nhãn năng lượng, thúc đẩy mua sắm xanh