Bạc Liêu: Mô hình luân canh tôm- lúa giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, việc tìm kiếm các giải pháp để nâng cao khả năng chống chịu của các hệ sinh thái và cộng đồng địa phương là vô cùng cấp thiết.
Tại tỉnh Bạc Liêu, sau gần 2 năm triển khai, Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển” đã mang đến những tín hiệu tích cực.
Mô hình luân canh tôm - lúa cải tiến giúp nông dân Bạc Liêu thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh BLO |
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, tôm và lúa là hai trụ cột chính của nền nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, ngành sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là hàng hóa sơ chế, và sự liên kết yếu giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và các yếu tố bất ổn khác càng làm gia tăng rủi ro cho sản xuất nông nghiệp.
Từ những thực trạng trên, mục tiêu của dự án hằm nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Bạc Liêu thông qua áp dụng các thực hành ứng phó với biến đổi khí hậu.
Qua đó, cải thiện sinh kế cho cộng đồng thông qua mô hình luân canh tôm - lúa cải tiến thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý để nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của mô hình nhờ các hoạt động can thiệp và vận hành chính sách tại địa bàn dự án.
Tại Bạc Liêu, dự án thực hiện công tác chuẩn bị từ tháng 7/2022 và chính thức triển khai từ ngày 21/4/2023. Dự án đã bám sát nhóm mục tiêu, nhu cầu của người dân, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất trước tác động của biến đổi khí hậu, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho thành viên các hợp tác xã và người lao động tại địa phương.
Trong năm 2024, dự án được triển khai ở 6 hợp tác xã tại 3 huyện, thị trong tỉnh Bạc Liêu gồm: TX. Giá Rai, huyện Phước Long và huyện Hồng Dân với tổng số lượt người hưởng lợi là 2.706 người. Dự án ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã điển hình, sản xuất theo mô hình tôm - lúa và đại diện cho mô hình tôm - lúa của tỉnh.
Sau gần 2 năm thực hiện, dự án đã khẳng định được tính phù hợp, đúng hướng, hiệu quả và góp phần thay đổi tập quán nuôi tôm phụ thuộc vào “may rủi” sang chủ động sản xuất, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, tăng năng suất. Đồng thời, giúp các hợp tác xã, người dân ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động nông thôn, nâng cao trình độ canh tác và góp phần cải thiện sinh kế cho người nông dân.