Thái Nguyên xây 'cao tốc số' cho hàng hóa địa phương
Trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thương mại điện tử được xem là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số tại các địa phương. Tại Thái Nguyên, thương mại điện tử không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành một chiến lược rõ nét.
Với định hướng xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử đa nền tảng, bền vững và bao trùm, Thái Nguyên đang từng bước đưa sản phẩm địa phương vươn xa trên thị trường toàn cầu.
Nhằm làm rõ tầm nhìn và các giải pháp đang được triển khai, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Chính - Giám đốc /chu-de/so-cong-thuong-thai-nguyen.topic.
Ông Nguyễn Bá Chính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên. |
Thương mại điện tử là trụ cột trong chiến lược kinh tế số
- Thái Nguyên xác định vai trò của thương mại điện tử như thế nào trong chiến lược phát triển kinh tế số giai đoạn 2021 - 2030, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Chính: Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 được xác định trong Quyết định số 411/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3/2022. Mục tiêu chính của chiến lược này bao gồm: Đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% GDP quốc gia; đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 30% GDP.
Thái Nguyên xác định thương mại điện tử là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế số giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, vai trò của thương mại điện tử được xác định bao gồm:
Là động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường rộng lớn hơn mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Thái Nguyên khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa.
Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương: Thương mại điện tử là kênh hiệu quả để quảng bá và phân phối các sản phẩm đặc trưng của Thái Nguyên ra thị trường trong và ngoài nước; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu số cho các sản phẩm OCOP, thúc đẩy xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Nâng cao năng lực số cho cộng đồng và doanh nghiệp: Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tạo điều kiện cho hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Tiki…
Thương mại điện tử là một trong những giải pháp then chốt để hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh vào năm 2025, và đạt tối thiểu 40% vào năm 2030. Đồng thời là công cụ hỗ trợ chính quyền số trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tương tác với người dân, doanh nghiệp.
Các thành viên nhóm livestream nông sản Thái Nguyên liên tục tổ chức livestream trên các nền tảng mạng xã hội để kích cầu tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương. |
- Để doanh nghiệp và người dân tham gia hiệu quả vào thương mại điện tử, ông có thể cho biết, tỉnh đã và đang triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số, kỹ năng vận hành gian hàng số ra sao?
Ông Nguyễn Bá Chính: Chuyển đổi số không thể chỉ dừng ở khẩu hiệu mà phải bắt đầu từ con người. Chúng tôi xác định rõ muốn thương mại điện tử phát triển thực chất, phải làm ngay từ gốc - từ kỹ năng số, từ gian hàng số, từ nhận thức và năng lực vận hành của chính người dân, doanh nghiệp.
Với tinh thần đó, tỉnh đã và đang triển khai hàng loạt chương trình đào tạo mang tính thực tiễn cao, phù hợp với trình độ, nhu cầu và đặc thù của từng nhóm đối tượng trên địa bàn.
Cụ thể, tỉnh tổ chức tập huấn vận hành gian hàng trên sàn thương mại điện Shopee, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nắm vững các kỹ năng xây dựng gian hàng, quản lý sản phẩm, tối ưu nội dung và chăm sóc khách hàng trực tuyến.
Đồng thời, các khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh số cũng được triển khai rộng rãi, hướng dẫn người dân và cơ sở sản xuất nhỏ cách ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng điện thoại thông minh, thực hiện livestream bán hàng để tiếp cận người tiêu dùng số.
Một điểm sáng khác là việc triển khai chương trình đào tạo cử nhân Nghệ thuật số, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp sáng tạo và truyền thông số - lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 còn đặt mục tiêu chuyển đổi kỹ năng toàn dân, thông qua các khóa học trực tuyến mở (MOOCs), hợp tác cùng doanh nghiệp, tổ chức công nghệ để đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt trong các khu công nghiệp.
Những chương trình trên thể hiện nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên trong việc nâng cao năng lực số cho cộng đồng, hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân thích ứng với xu hướng kinh doanh trực tuyến và chuyển đổi số.
Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên sàn thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng kênh bán hàng, tăng doanh số tiêu thụ sản phẩm. |
Đột phá với gian hàng thương mại điện tử cấp tỉnh đầu tiên
- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng "xuất khẩu tại chỗ" thông qua thương mại điện tử cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh?
Ông Nguyễn Bá Chính: Tiềm năng "xuất khẩu tại chỗ" thông qua thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông sản, đặc sản của Thái Nguyên là rất lớn và đang được tỉnh xem là một hướng đi chiến lược trong thời kỳ chuyển đổi số.
Nhờ các nền tảng như Amazon, Alibaba, TikTok Shop Global…, doanh nghiệp và hợp tác xã hoàn toàn có thể tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt tại những thị trường ưa chuộng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và đặc sản truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ. Điều này tạo ra hình thức "xuất khẩu tại chỗ", giao hàng từ Việt Nam nhưng bán cho khách hàng toàn cầu, không cần văn phòng đại diện hay chi nhánh nước ngoài.
Hiện Thái Nguyên có 248 lượt sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó chè chiếm tới 77% và là sản phẩm chủ lực. Bên cạnh trà Tân Cương, nhiều đặc sản như miến Việt Cường, na Võ Nhai, gà đồi Phú Bình,… đang dần tạo dấu ấn trên thị trường số. Đặc biệt, tỉnh có 4 sản phẩm đạt OCOP 5 sao - minh chứng rõ cho năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm.
Song hành với đó là sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng số, vận hành gian hàng thương mại điện tử, livestream, logistics quốc tế… giúp doanh nghiệp địa phương từng bước làm chủ thị trường online.
Ngoài ra, nhờ tích hợp sẵn hệ thống thanh toán và vận chuyển toàn cầu, doanh nghiệp có thể đơn giản hóa quy trình xuất khẩu, giảm chi phí, rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường. Khi tham gia thương mại điện tử, các sản phẩm bắt buộc phải có bao bì chuẩn hóa, mã QR truy xuất nguồn gốc, nội dung giới thiệu rõ ràng đây là cơ hội nâng cao giá trị gia tăng và tăng độ tin cậy từ người tiêu dùng quốc tế.
Từ những nền tảng thuận lợi này, có thể khẳng định thương mại điện tử đang trở thành kênh "xuất khẩu tại chỗ" đầy tiềm năng, giúp Thái Nguyên đưa nông sản vươn xa và định hình vị thế trên bản đồ nông nghiệp số toàn cầu.
- Việc tỉnh Thái Nguyên chính thức ra mắt Gian hàng thương mại điện tử cấp tỉnh trên nền tảng Shopee được xem là bước đi tiên phong trên cả nước, ông có thể chia sẻ mục tiêu cốt lõi của tỉnh khi triển khai mô hình này?
Ông Nguyễn Bá Chính: Việc chính thức ra mắt "Gian hàng sản phẩm Thái Nguyên" trên sàn thương mại điện tử Shopee không chỉ là một bước tiến mang tính kỹ thuật, mà là dấu mốc chiến lược, thể hiện tư duy đổi mới trong phát triển thương mại điện tử cấp tỉnh - lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”.
Đây là lần đầu tiên một tỉnh trực tiếp phối hợp với sàn thương mại điện tử để xây dựng một gian hàng tổng hợp chính thức, tạo nên một "chợ số" hiện đại trên nền tảng Shopee - nơi quy tụ các sản phẩm OCOP, đặc sản và hàng hóa chủ lực của Thái Nguyên.
Mô hình này hướng tới mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhỏ trong quá trình chuyển đổi số, thông qua hỗ trợ đào tạo, tư vấn, vận hành thực tế. Qua đó, từng bước hình thành năng lực số trong kinh doanh, giúp các đơn vị tự tin tiếp cận thị trường số, mở rộng kênh phân phối ổn định, bền vững.
Khai trương "Gian hàng sản phẩm Thái Nguyên" trên sàn thương mại điện tử Shopee |
Chúng tôi không dừng lại ở Shopee mà đã ký kết hợp tác với TikTok Việt Nam, khởi động chiến dịch "Thái Nguyên - Tứ đại danh trà" và dự kiến tổ chức chương trình Livestream "Chợ phiên OCOP Thái Nguyên 2025" vào tháng 5/2025.
Đây là chiến lược tận dụng sức mạnh truyền thông và công nghệ số để tăng cường nhận diện thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đang xúc tiến mở rộng mô hình ra các sàn thương mại điện tử khác như Tiki, Lazada, Alibaba… để xây dựng một hệ sinh thái thương mại số đa nền tảng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận khách hàng trên mọi kênh, hướng tới mục tiêu phát triển một nền kinh tế số địa phương năng động, chuyên nghiệp và bền vững.
Tháo nút thắt logistics - mở đường cho thương mại điện tử
- Bài toán logistics đang là "nút thắt" của thương mại điện tử, đặc biệt tại các địa phương. Vậy tỉnh đang làm gì để cải thiện chuỗi giao vận cho hàng hóa số, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Chính: Để thương mại điện tử phát triển thực chất và bền vững, logistics phải đi trước một bước. Một nền kinh tế số không thể vận hành hiệu quả nếu hàng hóa không được lưu thông nhanh chóng, thuận lợi và chi phí hợp lý.
Thái Nguyên đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để cải thiện chuỗi giao vận cho hàng hóa số, tập trung vào 4 trụ cột chính:
Thứ nhất, phát triển dịch vụ logistics. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND năm 2022 về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2022-2026. Kế hoạch này phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành và địa phương, nhằm xây dựng môi trường logistics chuyên nghiệp, hiệu quả.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp logistics mở rộng quy mô. Hiện Thái Nguyên có hai doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực này là Công ty TNHH MTV Logistics Thái Hưng và Công ty CP Logistics ASG, đang cung cấp dịch vụ vận chuyển, kho bãi cho nhiều đối tác trong và ngoài tỉnh.
Thứ ba, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành vận tải. Tỉnh khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành vận tải, nhằm tối ưu chi phí, nâng cao độ an toàn và minh bạch trong chuỗi cung ứng.
Thứ tư, phát triển hạ tầng logistics. Tỉnh đang quy hoạch và đầu tư xây dựng các trung tâm logistics khai thác lợi thế vị trí giao thương của Thái Nguyên, nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tất cả những nỗ lực này thể hiện rõ cam kết của tỉnh trong việc xây dựng nền tảng hậu cần hiện đại, đồng bộ, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số phát triển bền vững.
- Ông có thông điệp gì gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các cấp ngành địa phương để cùng nhau khai phá tiềm năng, phát triển một hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững cho Thái Nguyên?
Ông Nguyễn Bá Chính: "Khai phá tiềm năng địa phương - Kiến tạo hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững cho Thái Nguyên".
Thái Nguyên quyết tâm trở thành điểm sáng về kinh tế số tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc, lấy thương mại điện tử làm động lực để mở rộng thị trường, nâng tầm sản phẩm địa phương và kết nối cộng đồng số.
Tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong chuyển đổi số, từng bước xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững, nơi hàng hóa Thái Nguyên không chỉ vượt qua ranh giới địa lý, mà còn chạm đến niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu.
Hạ tầng số được đầu tư, logistics hiện đại, kỹ năng số được lan tỏa, và thương hiệu địa phương được tôn vinh, chính là những trụ cột giúp thương mại điện tử không chỉ là kênh bán hàng, mà còn trở thành một cánh cửa mở ra tương lai thịnh vượng, đổi mới và hội nhập cho mọi người dân Thái Nguyên.
Xin cảm ơn ông!