‘Bà mối’ VietinBank Securities mát tay trong phiên đấu giá cổ phần NEEM của EVNNPC
Ngày 5/12/2023, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX, phiên đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần Thiết bị điện miền Bắc (NEEM) do Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) sở hữu đã diễn ra thành công dưới sự tư vấn của Phòng Tư vấn TCDN Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam - VietinBank Securities.
Phiên bán đấu giá có sự tham dự của ông Trần Minh Dũng - Phó Tổng giám đốc EVNNPC; bà Tào Thị Mai Lan - Phó Ban Tài chính Kế toán EVNNPC; ông Đỗ Văn Tâm - Phó Tổng giám đốc, Trưởng Ban tổ chức đấu giá HNX; ông Phạm Ngọc Hiệp - Phó Tổng giám đốc VietinBank Securities.
Đại diện các bên tham dự phiên đấu giá |
Tại phiên bán đấu giá, toàn bộ 2.323.616 cổ phiếu của NEEM thuộc sở hữu của EVNNPC đã thực hiện đấu giá thành công, trong đó giá bán cao nhất là 13.500 đồng/cổ phiếu; giá bình quân là 12.300 đồng/cổ phiếu; giá thấp nhất là 12.300 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền EVNNPC thu về là gần 29 tỷ đồng.
Việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của NEEM tại EVNNPC nhằm thực hiện chủ trương thu hồi phần vốn đã đầu tư của tổng công ty đã được EVN phê duyệt giai đoạn 2021 - 2025.
Theo tìm hiểu, NEEM tiền thân là Công ty TNHH Liên doanh Sản xuất thiết bị điện Miền Bắc được thành lập năm 2004 với số vốn điều lệ ban đầu là 1,3 triệu USD và chuyển thành công ty cổ phần vào năm 2016. Khi đó, NEEM có mức vốn điều lệ hơn 88,48 tỷ đồng với 3 cổ đông gồm: EVNNPC (26,26%), Công ty TNHH Đầu tư Long Nguyên Hà Nam (26,26%) và Công ty TNHH Tập đoàn Hứa Kế (47,48%). Năm 2021, 2 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho 2 nhà đầu tư cá nhân trong nước. NEEM chính thức trở thành công ty đại chúng từ ngày 6/6/2023 và đang thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM.
Ngoài EVNNPC, NEEM còn có 2 cổ đông lớn khác hiện nắm giữ tỷ lệ lần lượt là 35,98% và 26,26%. NEEM có trụ sở tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh với diện tích 23.596m2. Lĩnh vực kinh doanh chính của NEEM bao gồm sản xuất, lắp ráp bảng tủ điện cao áp, trung áp, hạ áp và các tủ bảng thông tin - viễn thông, các vật tư, thiết bị điện khác.
Từ năm 2019 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty vẫn dừng lĩnh vực sản xuất, chỉ tập trung vào kinh doanh các sản phẩm thiết bị cao trung thế ngoài trời, tủ bảng điện, máy biến áp và trạm phát điện năng lượng mới, thiết bị quản lý chất lượng điện năng, tủ đóng cắt mạch vòng dùng cho mạng điện thành phố. Thị trường cung cấp sản phẩm dịch vụ của NEEM chủ yếu là thị trường miền bắc.
Về VietinBank Securities, vượt lên khó khăn bủa vây nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong những tháng qua, công ty chứng khoán bất ngờ công bố lợi nhuận quý III tăng mạnh gấp 5 lần so với cùng kỳ, từ đó đưa tổng lợi nhuận 9 tháng tiến sát ngưỡng 155 tỷ đồng.
Theo đó, VietinBank Securities ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 255 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đóng góp từ các khoản liên quan lãi từ tài sản tài chính FVTPL (84 tỷ đồng); lãi từ các khoản cho vay và phải thu (70 tỷ đồng); lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) (38 tỷ đồng); lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) (20 tỷ đồng), đều tăng trưởng tích cực so với quý III/2022.
Giữa bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp. Bình quân các chỉ số liên tục giảm điểm, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các công ty chứng khoán. Vậy nhưng, mảng môi giới của VietinBank Securities trong quý III/2023 vẫn có lãi gần 34 tỷ đồng, tăng gần 79% so với cùng kỳ. Doanh thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành, tư vấn, lưu ký chứng khoán đạt hơn 4 tỷ đồng. Đó là những yếu tố hình thành nên khoản lợi nhuận sau thuế hơn 67 tỷ đồng của doanh nghiệp trong quý III/2023, tăng mạnh 415% so với kết quả thu được cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 VietinBank Securities đạt 833 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 108% lên trên 154,9 tỷ đồng.