Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, sự ra đời và phát triển gần hai năm qua của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã mang những dấu ấn của Việt Nam bởi trên thực tế, Việt Nam đã tham gia tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN ngay từ những ngày đầu khi khu vực thương mại tự do ASEAN mới chỉ manh nha. Trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã từng bước được gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN.
ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ 2 của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,3 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong nhiều năm qua, chiếm tỷ trọng trên 60% kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước.
ASEAN cũng là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 64 tỷ USD, đồng thời là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN. Các dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo. ASEAN đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong thời gian qua.
Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó vụ trưởng Vụ thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, ASEAN đã đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn trong Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, thông qua các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc. Thông qua các hiệp định thương mại này, Việt Nam có cơ hội thu hút sự quan tâm đầu tư của các cường quốc trên thế giới.
Từ góc độ các nhà sản xuất, bên cạnh việc mở rộng xuất khẩu nhờ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cũng như các rào cản thương mại tại 10 nước ASEAN với hơn 600 triệu dân và tổng GDP khoảng 3000 tỷ đôla. Các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia dần dần vào chuỗi cung ứng trong khu vực, khi tiếp cận nguồn đầu vào cho sản xuất với chi phí thấp hơn. Nếu Việt Nam thành công trong việc trở thành một mắt xích trong dây chuyền sản xuất, thì khả năng phát triển ra toàn cầu là rất lớn, so với việc doanh nghiệp phải bươn trải ra thị trường quốc tế.
Từ góc độ người tiêu dùng, người dân Việt Nam có cơ hội tự do lựa chọn hàng hóa sản phẩm đa dạng trong các thành viên ASEAN với chất lượng tốt hơn và giá cả phải chăng hơn. Về xã hội, các cơ hội phát triển đầu tư thương mại góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Dũng, bối cảnh thế giới hiện nay vẫn không ngừng biến động, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang mở ra những tiềm năng phát triển to lớn cho các nền kinh tế, các liên kết kinh tế đa dạng đang kết nối tạo nên những thị trường rộng lớn, cùng với đó là việc cạnh tranh thị trường đang trở nên vô cùng gay gắt Trong bối cảnh đó, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đang chia sẻ những lợi thế nổi trội khi AEC được thành lập trên nền tảng của một ASEAN đang là một ‘trung tâm tăng trưởng” của kinh tế thế giới, là trọng tâm trong mạng lưới sản xuất khu vực Đông Á và là trung tâm của mạng lưới liên kết kinh tế với các khu vực châu Á – Thái Bình Dương với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand cũng như các hiệp định thương mại tự do giữa các nước thành viên với các nền kinh tế lớn trên thế giới.
“Để duy trì sự hấp dẫn đó, hiện thức hóa AEC ở một tầm phát triển mới chính là nhiệm vụ của Chính phủ các nước thành viên của cộng đồng doanh nghiệp. Thu hẹp khoảng cách phát triển trong nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực khác, thúc đẩy hội nhập kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối từ hạ tầng đến người dân là những việc các Chỉnh phủ cần thúc đẩy”- ông Dũng nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự đặt chân vào thị trường ASEAN, trở thành người chơi trên thị trường đó và là một người chơi có đủ năng lực. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ còn là người thụ hưởng mà trở thành người tham gia, đặt ra luật chơi chủ động quan tâm và đóng vai trò trong định hình ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các doanh nghiệp.
Theo ông Dũng, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục đổi mới và cải cách nền kinh tế. Tinh thần đổi mới được thể hiện qua những nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và lắng nghe. Ở trong nước, Chính phủ tạo môi trường để doanh nghiệp trưởng thành và phát triển. Ở bên ngoài, Chính phủ tạo khuôn khổ và môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hội nhập. Chính phủ luôn đồng hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng thành công sẽ chỉ đến với những doanh nghiệp nhận thức được cơ hội và nắm bắt được cơ hội.