An toàn lao động trong ngành xây dựng: Cần sự nỗ lực của nhiều bên
Để giảm tại nạn lao động trong ngành xây dựng, cần sự vào cuộc của nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu và bản thân người lao động (Ảnh minh hoạ) |
Nhiều bất cập
Theo các số liệu thống kê trong nhiều năm tại nhiều địa phương, lĩnh vực thi công, xây dựng luôn có số vụ tai nạn lao động cao (khoảng 40% tổng số vụ tại nạn lao động được thống kê hàng năm), đặc biệt là tai nạn lao động gây chết người xảy ra tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do các thầu tư nhân hoặc các công ty xây dựng có quy mô nhỏ nhận thầu thi công hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức thi công nhưng không hiểu biết và chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Ở hầu hết các báo cáo và các nghiên cứu về tình hình tai nạn lao động nói chung và ngành xây dựng nói riêng đều có chung nhận định, tai nạn không chỉ đơn thuần do sự cố kỹ thuật mà xuất phát từ sự chủ quan của cả chủ sử dụng lao động và người lao động
Cụ thể với lĩnh vực xây dựng, các báo cáo và các nghiên cứu đã chỉ ra nhiều trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc trước khi bố trí cho công nhân làm việc; Không tổ chức huấn luyện an toàn lao động trước khi làm việc; Không xây dựng quy trình làm việc an toàn cho từng loại công việc, tổ chức lao động không hợp lý, không có phương tiện bảo vệ cá nhân, hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không tốt; Không thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với thiết bị, máy móc trong quá trình sử dụng vận hành.
Trong khi đó, các báo cáo và các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, tới hơn 60- 80% công nhân ngành xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động. Cũng vì vậy, rất nhiều người lao động chưa được tập huấn theo quy định, không nắm bắt nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, một số qua đào tạo nhưng chưa hiểu rõ về công tác an toàn vệ sinh lao động nên việc phòng ngừa tai nạn lao động chưa được quan tâm.
Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động tại các công trình còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Bên cạnh đó, vai trò giám sát công trình, trong đó có giám sát về công tác an toàn lao động của tư vấn giám sát, nhà thầu lại chưa làm hết trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và chính doanh nghiệp.
Cần sự nỗ lực của nhiều bên
Theo các chuyên gia, để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng cần sự chung tay của nhiều bên. Trước hết, chủ thầu, chủ doanh nghiệp xây dựng – theo quy định của pháp luật – là người chịu trách nhiệm chính trong công tác an toàn lao động. Do đó, hơn ai hết, bản thân họ phải tuân thủ đầy đủ các quy định an toàn lao động trước khi tổ chức thi công công trình. Đồng thời, phải thường xuyên huấn luyện về an toàn lao động, nội quy làm việc cũng như trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cho người lao động trước khi vào làm việc.
Với một số trường hợp, nhà thầu, ngoài những cam kết về mặt kinh tế, kỹ thuật xây dựng, như: đăng ký, kiểm định các loại máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động… còn phải có những yêu cầu riêng về an toàn lao động, cam kết đảm bảo an toàn cho công nhân thi công và phải có bộ phận giám sát an toàn lao động tại đơn vị để phụ trách công tác an toàn.
Với chủ đầu tư công trình, cần thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về an toàn lao động trong thi công xây đựng công trình quy định tại Điều 5, Thông tư 04/2017/TT- BXD của Bộ Xây dựng, trong đó, quan tâm kiểm tra, chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động của các nhà thầu thi công xây dựng công trình; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tổng hợp này. Thường xuyên đôn đốc việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây đựng công trình theo quy định...
Trong khi đó, người lao động cũng cần phải nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và thường xuyên học tập, trao đổi nâng cao trình độ về pháp luật bảo hộ lao động, nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động.
Đối với những công việc nguy hiểm, người lao động có quyền đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ trang thiết bị lao động hoặc từ chối nhiệm vụ ấy. Ngược lại, dù được trang bị, huấn luyện an toàn lao động rất kỹ nhưng nếu người lao động chủ quan, không có ý thức tự bảo vệ mình thì vẫn có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Với các cơ quan chức năng, cần thực hiện giám sát điều kiện lao động tại các công trình, nhất là phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, đối tượng sử dụng lao động và có chế tài xử lý mạnh hơn. Điều này sẽ nâng cao ý thức quản lý của chủ đầu tư và giảm thiểu tình trạng coi thường của người lao động. Đối với các công trình để xảy ra nhiều lần tình trạng mất an toàn lao động cần tước giấy phép, thậm chí yêu cầu ngừng sản xuất đối với những chủ đầu tư này.