Thứ ba 26/11/2024 12:20

An toàn lao động trong các làng nghề: Nhiều trăn trở

Làng nghề đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, một số làng nghề luôn đối diện với nguy cơ cao mất an toàn lao động.

Đến giờ, nhiều người dân tỉnh Phú Thọ vẫn chưa quên sự việc xảy ra vào cuối năm 2018 ở làng nghề chế biến lâm sản thuộc huyện Hạ Hòa và Đoan Hùng, khi liên tiếp xảy ra 4 vụ tai nạn lao động tại xưởng bóc gỗ. Có nạn nhân đã bị mất khả năng lao động do máy bóc vỏ gỗ lột gần như toàn bộ da vùng ngực, bụng, gãy nhiều xương sườn, dập xương ức, suy hô hấp. Vụ tai nạn tiếp tục là lời cảnh tỉnh vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các làng nghề.

Nhiều làng nghề đang đối diện với nguy cơ mất an toàn lao động

Theo lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, trong số 75 làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông - lâm sản và thủ công mỹ nghệ tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn trong sản xuất. Nhiều làng nghề thuộc các nhóm này cơ bản chưa đạt yêu cầu về điều kiện làm việc, bảo hộ lao động và ATVSLĐ. Có làng nghề chưa tổ chức tập huấn về an toàn lao động.

Với 62 làng nghề truyền thống, Bắc Ninh cũng là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với những làng nghề nổi tiếng như mộc Đồng Kỵ, giấy Phong Khê, nhôm Văn Môn, đồng Đại Bái, sắt thép Đa Hội... thu hút khoảng 28.342 hộ tham gia, với 73.954 lao động, có thu nhập trung bình 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Ước tính, mỗi năm doanh thu sản xuất công nghiệp ở các làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 20.000 lao động địa phương và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, bên cạnh phát triển kinh tế, nhiều làng nghề ở Bắc Ninh đang ô nhiễm môi trường đến mức báo động, điển hình như làng nghề sắt thép Đa Hội (Châu Khê). Ở đây, các lò nung sắt thép hoạt động suốt ngày đêm, lượng khí thải CO2, SO4... luôn vượt ngưỡng cho phép hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, khiến bầu không khí luôn nghẹt thở vì khí độc; lượng nước thải, phế thải công nghiệp, xỉ than, xỉ sắt thép đổ dồn ra ao, hồ... làm cho nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng. Các làng nghề khác như đúc nhôm Văn Môn, đúc đồng Đại Bái cũng tương tự vì ô nhiễm bụi silic, khí lưu huỳnh, sunphat nhôm, cacbonic… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người lao động. Những căn bệnh về thận, đường hô hấp, tim mạch, ung thư... đã, đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các làng nghề.

Không chỉ ô nhiễm, tai nạn lao động trong nhiều làng nghề ở Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung cũng đang báo động. Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Ninh, mỗi năm tại các làng nghề trong tỉnh xảy ra 5 - 7 vụ tai nạn lao động, gây thiệt hại không nhỏ về tính mạng con nguời, tài sản của doanh nghiệp. Điểm chung của các vụ tai nạn đều do sự chủ quan của người lao động và chủ sử dụng lao động khi họ chưa ý thức được hậu quả của tai nạn lao động, dẫn tới việc chủ sử dụng lao động chưa xây dựng, niêm yết các nội quy, quy trình vận hành các loại máy hoặc cảnh báo mối nguy hiểm để người lao động phòng tránh; xem nhẹ công tác huấn luyện an toàn cho người lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp tại các làng nghề đều đang sử dụng công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, nằm cận kề khu dân cư hoặc tại gia đình, ít chú ý đầu tư cải thiện điều kiện làm việc; cơ sở sản xuất không có hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ mang tính hình thức, thậm chí nhiều nơi không tổ chức huấn luyện…

Để làng nghề phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, chuyên gia khuyến cáo, người sử dụng lao động, người lao động cần chấp hành nghiêm quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất ATVSLĐ tại nơi làm việc; kiểm tra hướng dẫn công tác ATVSLĐ trong sử dụng máy, thiết bị; khuyến khích triển khai áp dụng mô hình quản lý ATVSLĐ tại khu vực làng nghề theo phân cấp...

Thanh Tâm

Tin cùng chuyên mục

Quảng Trị: Nhiều vụ trộm cắp thiết bị điện sau Tết

Đẩy mạnh huấn luyện an toàn lao động để giảm tai nạn

Xây dựng khu công nghiệp sinh thái: Giải pháp phát triển công nghiệp bền vững

Tập huấn an toàn hóa chất đối với Clo và các hóa chất có gốc Clo

Bắc Kạn: Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý an toàn lao động

An toàn lao động tại Thanh Hóa: Phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu

Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ: An toàn lao động bám sát nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh

Vai trò của an toàn lao động trong phát triển kinh tế - xã hội

Bắc Ninh: Chấn chỉnh công tác an toàn vệ sinh lao động

Chương trình quốc gia về An toàn vệ sinh lao động: Thúc đẩy các giải pháp đảm bảo an toàn

Diễn tập sẵn sàng ứng phó sự cố hóa chất trên đường vận chuyển

Doanh nghiệp Quảng Ninh: Chủ động kiểm soát yếu tố nguy hiểm trong sản xuất

Giảm thiểu tai nạn lao động: Đổi mới công nghệ là yếu tố quan trọng

Nam Định: An toàn lao động trong doanh nghiệp có chuyển biến

Ngành nông nghiệp: Nguy cơ tai nạn lao động không nhỏ

An toàn lao động trong xây dựng: Nỗ lực từ các bên

An toàn lao động để phát triển bền vững

Lao động ngành Công Thương: Thiết thực hành động, đảm bảo an toàn

Nhiễm độc thiếc: Lời cảnh tỉnh an toàn sức khỏe cho người lao động

An toàn lao động: Bắt đầu từ ý thức của mỗi người