Ấn Độ, Indonesia đặt kì vọng lớn vào cuộc họp Hội nghị Bộ trưởng IPEF tại Singapore
Vào ngày 5/6, Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) và Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF đã được tổ chức tại Singapore. Hội nghị có sự tham gia của đại diện 14 nước thành viên gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Brunei, Fiji và Việt Nam. Trong đó, đại diện từ Indonesia và Ấn Độ đặt nhiều kỳ vọng vào cơ hội phát triển kinh tế tại cuộc họp.
Về phía Indonesia, đại diện tham dự Hội nghị là Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề Kinh tế Airlangga Hartarto. Ngoài tham dự Hội nghị Bộ trưởng IPEF và Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF, ông Airlangga Hartato dự kiến sẽ có mặt tại Hội nghị cấp bộ trưởng của Nhóm công tác kinh tế song phương (EWG) lần thứ 6 tại Singapore.
Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto. Nguồn ảnh: Antara Photo/Sulthony Hasanuddin. |
Ngoài ra, Bộ trưởng Airlangga Hartato cũng dự kiến sẽ gặp gỡ và làm việc với đại diện các quốc gia thuộc IPEF, đặc biệt ông Airlangga Hartato sẽ dự kiến sẽ ký Biên bản ghi nhớ Điều 6 Thỏa thuận Paris về Hợp tác Ứng phó Biến đổi Khí hậu với Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun. Còn tại Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF, Bộ trưởng Airlangga Hartato dự kiến sẽ trình bày các chính sách của Indonesia trong việc phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.
Nhận xét về hội nghị lần này, ông Susiwijono Moegiarso, Thư ký Bộ Điều phối các vấn đề Kinh tế, nói: “Hội nghị sẽ giải quyết các hành động tiếp theo liên quan đến lĩnh vực chuỗi cung ứng, bao gồm cả quy trình phê chuẩn ở mỗi quốc gia thành viên IPEF”.
Được biết, vào năm ngoái, các nước IPEF đã ký thỏa thuận đề xuất về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, nhằm tăng cường hợp tác và đầu tư giữa các nước thành viên trong ngành logistics và ngăn ngừa sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngược lại, các cuộc đàm phán về lĩnh vực thương mại vẫn đang diễn ra, Indonesia đặt mục tiêu kết thúc đàm phán vào cuối năm 2024.
Về phía Ấn Độ, đại diện tham dự là hai quan chức cấp cao thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp: Ông Sunil Barthwal và ông Rajesh Agrawal. Phát biểu với tờ The Economy Times, đại diện bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ nói: “Các dự án của Ấn Độ sẽ được giới thiệu tại Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF. Ngoài ra, có hơn 150 nhà đầu tư toàn cầu sẽ tham gia sự kiện này.”
Được biết, Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF quy tụ các nhà đầu tư, tổ chức từ thiện, tổ chức tài chính, công ty khởi nghiệp và doanh nhân hàng đầu trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Diễn đàn nhằm mục đích huy động đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững, công nghệ khí hậu và các dự án năng lượng tái tạo.
Theo dự kiến, Ấn Độ sẽ giới thiệu một số dự án cơ sở hạ tầng lớn và các công ty công nghệ khí hậu hàng đầu tại Diễn đàn. Về cơ sở hạ tầng, trọng tâm của Ấn Độ sẽ là các dự án về chuyển đổi năng lượng (bao gồm các công trình năng lượng tái tạo, chế tạo nguyên liệu bền vững, mạng lưới điện, trung tâm dữ liệu xanh…); cũng như các dự án về cơ sở hạ tầng xe điện và quản lý chất thải. Về công nghệ khí hậu, Ấn Độ dự kiến sẽ giới thiệu và kêu gọi vốn vào các công ty lớn và các start-up tiềm năng tại nước này.
Từ ngày 5-7/6/2024, Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến công tác tới Singapore tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF và nhiều hoạt động bên lề... Tháp tùng Bộ trưởng trong chuyến công tác có đại diện các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế... Về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị chức năng: Vụ Chính sách thương mại đa biên; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Dầu khí và Than; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; Cục Phòng vệ thương mại; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Văn phòng Bộ; Báo Công Thương... Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì sự Thịnh vượng (IPEF), được thành lập bởi Hoa Kỳ và 13 quốc gia đối tác vào tháng 5 năm 2022, nhằm thiết lập các cam kết tiêu chuẩn cao trên bốn trụ cột: Nền kinh tế kết nối, Nền kinh tế kiên cường, Nền kinh tế sạch và Nền kinh tế công bằng. Phù hợp với các mục tiêu này, chương trình trao đổi Lãnh đạo theo yêu cầu (Leaders Lead On-Demand) nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đảm bảo tính bao trùm trong lợi ích kinh tế, củng cố nỗ lực chống tham nhũng và nuôi dưỡng một đội ngũ doanh nhân năng động Trọng tâm chính của chương trình là việc tạo dựng, phát triển và duy trì mạng lưới IPEF, nhằm thúc đẩy sự hợp tác, đổi mới và thịnh vượng kinh tế trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ Hội nghị IPEF, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong Đoàn công tác sẽ liên tiếp có các hoạt động bên lề như: Họp song phương cấp trưởng đoàn với Hoa Kỳ, Australia...; họp Trưởng đoàn đàm phán IPEF; tiếp kiến Tổng thống Singapore và Bộ trưởng các nước IPEF... |