Thứ tư 25/12/2024 23:58

80% các cổng thông tin điện tử cấp tỉnh chỉ “giữ chân” người dùng được 2,79 phút

Số liệu cho thấy, 80% các cổng thông tin điện tử cấp tỉnh chỉ giữ chân người dùng được 2,79 phút. Bình quân, 62,42% rời đi ngay sau khi vừa truy cập.

100% cơ quan thuộc chính phủ, UBND các tỉnh có cổng/trang thông tin điện tử

Ngày 30/11, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy cung cấp thông tin và tương tác giữa người dân và chính quyền địa phương qua các cổng /trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, nhằm đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng chính sách để thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin và quyền tham gia xây dựng pháp luật, thực thi chính sách của người dân trên môi trường số.

Hội thảo Thúc đẩy cung cấp thông tin và tương tác giữa người dân và chính quyền địa phương qua các cổng /trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước

Tư duy cung cấp dịch vụ chưa được áp dụng triệt để đối với vấn đề cung cấp thông tin và tương tác với người dân trên các cổng/trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương. Các cổng/trang thông tin điện tử mới dừng lại ở việc cung cấp các thông tin do các cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ, nhưng chưa bảo đảm tính đầy đủ, cập nhật, và có tính hệ thống.

Các tính năng phục vụ trải nghiệm của người dùng như tìm kiếm thông tin, hướng dẫn tìm kiếm thông tin, tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của người dân, đánh giá chất lượng thông tin được cung cấp, chia sẻ ý kiến, gửi góp ý trực tuyến còn hạn chế.

Đối với việc cung cấp thông tin trên các cổng/trang thông tin điện tử, khảo sát của Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) cho thấy, tỷ lệ cơ quan công khai quy chế và đầu mối cung cấp thông tin còn hạn chế. Ở cấp trung ương, 48,1% cơ quan đã công khai đầu mối, và 40,7% đã công khai quy chế cung cấp thông tin.

Ở cấp địa phương, 9,5% UBND cấp tỉnh đã công khai đầu mối, và 3,2% đã công khai quy chế cung cấp thông tin. Sở Tư pháp đạt tỷ lệ cao nhất ở cấp tỉnh, nhưng đều dưới 40%.

Đánh giá từ góc độ trải nghiệm của người dùng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nhận xét, các cổng thông tin điện tử cấp tỉnh chưa thành công trong việc “giữ chân” người dùng. Số liệu cho thấy 80% các cổng thông tin điện tử cấp tỉnh chỉ giữ chân người dùng được 2,79 phút. Bình quân, 62,42% rời đi ngay sau khi vừa truy cập.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh, để thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGCI) vào năm 2030, Việt Nam cần nhận thức rõ các tiêu chí còn chưa tốt, gồm có thông tin số (E-information) chỉ đạt 0.65/1, tham vẫn trực tuyến (E-consultation) đạt 0.57/1, và tham gia vào xây dựng chính sách và xây dựng pháp luật trực tuyến (E-decision making) là 0.15/1.

“Việc cập nhật Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng mang một ý nghĩa quan trọng, phản ánh tư duy “cung cấp dịch vụ”, lấy người dân làm trung tâm, cụ thể ở đây là “dịch vụ cung cấp thông tin” cho người dân” - ông Nguyễn Minh Hồng cho biết.

Ông Mai Thanh Hải, đại diện Cục Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ thành tựu sau 11 năm thực hiện Nghị định 43/2011/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, đó là 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, và UBND các tỉnh, thành phố đã có cổng/trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả.

Nhận định Nghị định 43 đã trở thành “tấm áo chật trong tình hình mới”, ông Hải phân tích các mục tiêu mới của Nghị định 42/2022/NĐ-CP trong cải thiện tính thân thiện của giao diện, khả năng tìm kiếm thông tin, khả năng tương tác hai chiều, đa dạng kênh cung cấp thông tin, cập nhật thông tin văn bản quy phạm pháp luật…

Tăng cường hiệu quả tương tác qua cổng thông tin điện tử

Dẫn câu chuyện từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh chia sẻ mô hình tốt của tỉnh Tây Ninh trong việc tận dụng ưu điểm của các kênh tương tác khác nhau như: Cổng thông tin điện tử, Tổng đài tiếp nhận phản ánh 1022, Zalo, Tây Ninh Smart… để tối ưu hiệu quả cung cấp thông tin và tương tác với người dân trên môi trường số.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Zalo hiệu quả trong việc thông tin đến người dân về chính sách của nhà nước, tình hình xử lý hồ sơ của các đơn vị, tiếp nhận phản ánh, nộp hồ sơ. Số lượng người quan tâm đến nay đạt 164.000 người. Trong tháng 11/2022 có hơn 60.000 lượt xem bài viết, 730 lượt chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tây Ninh Smart được thử ngiệm từ tháng 6/2020 và triển khai chính thức từ 8/2021. Số lượng cài đặt ứng dụng Tây Ninh Smart: AppStore hơn 72.000 lượt và PlayStore hơn 110.000 lượt. Số lượng tài khoản đã đăng ký: hơn 132.000. Trong tháng 11/2022 có hơn 44.000 lượt truy cập…

Tuy nhiên, các đánh giá của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nhận định, các địa phương đã có đầu tư cho các yếu tố “đầu vào” - cơ sở hạ tầng của các kênh tương tác với người dân. Song thực tiễn thực hành, tổ chức thực hiện còn thiếu sự chuẩn hóa và chưa hiệu quả, dẫn đến yếu tố “đầu ra” là mức độ hài lòng/sự tham gia của người dân trong tương tác với chính quyền trên môi trường số vẫn còn tương đối thấp.

Theo đó, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông đề xuất, đối với việc cụ thể hóa Nghị định 42/2022/NĐ-CP, cần hướng dẫn chuẩn hóa đối với công cụ tìm kiếm; định hướng sử dụng mạng xã hội; cho phép tổ chức, cá nhân đánh giá trực tuyến mức độ hài lòng; bảo vệ dữ liệu cá nhân; các chỉ số đánh giá tương tác của người dân trên các cổng thông tin điện tử.

Đối với chính quyền địa phương, cần tập trung tìm hiểu nhu cầu và khó khăn trong tiếp cận thông tin của người dân; hoàn thiện thể chế, đặc biệt là việc đánh giá/ giám sát các trang thông tin điện tử định kỳ; truyền thông, nâng cao nhận thức, phát động chiến dịch đưa người dân tiếp cận các cổng/trang thông tin điện tử.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu phương án để thống nhất kênh lưu trữ văn bản, thay vì phân tán như hiện tại. Đồng thời, để chia sẻ thông tin được hiệu quả, bảo đảm tương tác hai chiều, cần tận dụng các kênh mạng xã hội như Zalo, và tiến tới phát triển các ứng dụng thông minh tích hợp như Huế S, Tây Ninh Smart.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Chính phủ điện tử

Tin cùng chuyên mục

Honda Việt Nam triệu hồi 31 ‘xế phượt’ Africa Twin CRF1100

Ba 'ông lớn' trong làng ô tô Nhật Bản: Nissan, Honda, và Mitsubishi Motors để ngỏ khả năng 'về chung nhà'

Embraer tham dự Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Đại hội Honda Biker Rally 2025: Sự kiện quy tụ hơn 1.000 bikers trên khắp cả nước

Công bố 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2024

Tập đoàn ô tô đầu tư 168 triệu USD tại Việt Nam vượt mốc doanh số 3 triệu xe toàn cầu

Doanh nghiệp ‘bắt tay’ nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu

Đấu tranh quyết liệt ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc trên mạng xã hội

Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Giải quyết các vấn đề thực tiễn qua nghiên cứu khoa học

30 chiếc Suzuki Jimny tham gia cuộc đua địa hình từ TP. Hồ Chí Minh đến Đồng Nai

Các xu hướng đe dọa mạng mới cần theo dõi trong năm 2025 và sau đó

HPT D-DAY 2024: Chia sẻ công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang bước sang giai đoạn mở rộng quy mô, chiều sâu

Triển lãm Quốc phòng: Bắt gặp mẫu siêu xe điện Jaguar I-Pace thuộc sở hữu của Đại sứ quán Anh

Lý do tỷ phú Phạm Nhật Vượng dừng VinFast VF 8 với dịch vụ taxi Xanh SM Luxury

Hai hãng ô tô Honda và Nissan sắp về chung một nhà?

Ký kết hợp tác chiến lược, thúc đẩy tăng trưởng ngành logistics Việt Nam

Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về xếp hạng chỉ số dịch vụ công trực tuyến

Bộ Công Thương tích cực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Ô tô nhập khẩu tăng mạnh, 11 tháng đạt gần 161.000 xe