4 nhóm thực phẩm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dễ gây ngộ độc botulinum
Chất độc botulinum toxin do vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum) sinh ra. Đây là một vi khuẩn gram dương kỵ khí, hình que hai đầu tròn, có nhiều lông quanh thân, di động. Chúng sống kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, gây bệnh bằng ngoại độc tố. Đặc biệt, bào tử của chúng có thể tồn tại trong hầu hết các môi trường và rất khó bị tiêu diệt.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra cảnh báo 4 nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc botulinum cho con người nhất.
Một là, đồ hộp, đóng gói sẵn. Đây là nhóm sản phẩm do đặc điểm về môi trường kỵ khí và sinh bào tử, lại dễ lây nhiễm qua quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản nên độc tố botulinum rất dễ tồn tại trong các loại đồ ăn đóng hộp, đóng túi kín. Nhất là thịt, cá, sữa hộp, pho-mát, hải sản…
Hai là, các sản phẩm thịt chế biến sẵn: Dù có được đóng hộp hay không, các loại thịt chế biến sẵn được xem là một trong những môi trường lý tưởng hàng đầu để vi khuẩn C. botulinum sinh sôi và gây hại cho con người.
Ba là, các loại rau củ lên men: Như dưa muối, cà muối, kim chi rất dễ trở thành con đường khiến độc tố botulinum xâm nhập và gây nguy hại cho con người. Đặc biệt là nếu quy trình lên men không đảm bảo vệ sinh hoặc để quá lâu ngày.
Bốn là, các thực phẩm không được nấu chín trước khi ăn hoặc nấu chín nhưng để lâu dẫn đến bị ôi, thiu cũng có thể gây ngộ độc.
Triệu chứng nhiễm độc tố botulinum do ngộ độc thực phẩm sẽ bao gồm: buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón; bị liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân với các triệu chứng là: sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nuốt, khó nói, khô miệng…
Sau đó liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân; mệt mỏi, suy nhược, khó vận động. Đặc biệt, ngộ độc botulinum còn dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng về hô hấp, khó thở, ứ đọng đờm dãi, suy hô hấp, gây ngừng thở dẫn đến tử vong.
This browser does not support the video element.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, cần có ý thức giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, chế biến và chọn lựa thực phẩm. Không nên mua thực phẩm chưa qua kiểm dịch. Tránh chọn rau, củ dập nát, thịt, hải sản ôi, thiu có mùi khác lạ.
Ngoài ra, cẩn đảm bảo luôn ăn chín uống sôi; không ăn thực phẩm đã hết hạn, khi vỏ bao bì hoặc túi đựng có dấu hiệu hư hại hoặc nấm mốc, biến dạng, hoen gỉ; Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Không để chung hoặc để gần thực phẩm sống và chín với nhau.
Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Ngoài ra, cần đảm bảo nguồn nước, giữ vệ sinh khi chế biến thực phẩm và cả khi ăn uống.