Thứ hai 23/12/2024 16:46

15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam: Chính sách thực sự đi vào cuộc sống

Sau 15 năm Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 1/7 là Ngày Bảo hiểm y tế, đến nay chính sách bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống.

Bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, những năm 80, ở nước ta, tình hình chăm sóc y tế cho nhân dân nói chung và người lao động nói riêng tại các cơ sở khám chữa bệnh lâm vào tình trạng thiếu kinh phí hoạt động.

Trong hoàn cảnh đó, một số địa phương đã mạnh dạn tháo gỡ khó khăn trong công tác khám chữa bệnh bằng cách vận động, quyên góp trong nhân dân dưới nhiều hình thức khác nhau như: Quỹ Bảo hiểm sức khỏe ở Hải phòng, Quỹ Khám chữa bệnh nhân đạo ở Vĩnh Phú, Quỹ Bảo hiểm y tế tự nguyện ở Bến Tre, Quảng Trị hay Quỹ Khám chữa bệnh ngành đường sắt…

Đầu năm 1990, sau khi thực hiện một số mô hình thí điểm, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã trình Dự thảo Pháp lệnh bảo hiểm y tế lên Hội đồng Nhà nước. Sau khi cân nhắc thực tế điều kiện kinh tế - xã hội, Hội đồng Nhà nước đã quyết định giao Hội đồng Bộ trưởng thí điểm bảo hiểm y tế trên diện rộng. Từ cơ sở đó năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 299-HĐBT ngày 15/8/1992 về việc ban hành điều lệ bảo hiểm y tế, khai sinh ra chính sách bảo hiểm y tế ở Việt Nam.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người dân xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Ảnh: Thanh Dũng

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị định, hệ thống tổ chức bảo hiểm y tế từ Trung ương đến địa phương đã hình thành với sự quản lý của BHYT Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế. Năm 2002, Chính phủ ban hành Quyết định 20/2002/QĐ-TTg chuyển bảo hiểm y tế Việt Nam sang Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Kể từ đây hai chính sách an sinh xã hội quan trọng là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thống nhất thực hiện từ Trung ương xuống địa phương, theo mô hình một quỹ quốc gia.

Đặc biệt, ngày 14/11/2008, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Luật Bảo hiểm y tế ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế, hướng tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trên cơ sở đó, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 1/7 hàng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam. "Sự kiện này thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, tạo điều kiện để tất cả người dân được chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách bảo hiểm y tế"- ông Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ.

Bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh và phát triển bền vững

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, sau 15 năm, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, chính sách bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống, có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, trong đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã bám sát thực tiễn, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối với các Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời đưa ra những giải pháp đồng bộ, đúng hướng, quyết liệt.

Nhờ đó, diện bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh và phát triển bền vững. Cụ thể, năm 2008 trước khi có Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam, toàn quốc mới có 39,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số. Đến năm 2009, năm đầu tiên triển khai Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam, toàn quốc đã có trên 50 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (tăng trên 10 triệu người so với năm 2008), tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 58,2% dân số.

Và đến hết năm 2023, toàn quốc đã có trên 93,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,35% dân số. Kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông của Ngành, ngày càng sâu rộng, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của chính sách bảo hiểm y tế từ đó chủ động, tích cực tham gia.

Bên cạnh đó, số lượt người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm, trong 15 năm đã có trên 2.120 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, với tổng số tiền trên 993 nghìn tỷ đồng.

Năm 2009, toàn quốc có 88,6 triệu lượt khám chữa bệnh với tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 15.396 tỷ đồng, đến năm 2015 cả nước có 130,1 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng 48% so với năm 2009) với tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 47.855 tỷ đồng (tăng 211% so với năm 2009).

Năm 2020 có 167,3 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng 28,6% so với năm 2015) với tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 101.740 tỷ đồng (tăng 122,6% so với năm 2015) và đến hết năm 2023, toàn quốc có 174 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng 4% so với năm 2020) với tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là khoảng 121.799 tỷ đồng (tăng 19,7% so với năm 2020).

Số lượt người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Ảnh: Thanh Dũng

Sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế

Ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay, bảo hiểm y tế là một quỹ ngắn hạn, huy động đóng góp của người dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn quỹ này đóng vai trò quan trọng trong sự bền vững của chính sách. Điều này cần được đặc biệt quan tâm hơn khi quyền lợi, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được mở rộng, nâng cao.

Vì vậy, năm 2024, chủ đề truyền thông Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam là “Sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi người bệnh và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở”.

Thời gian qua, theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định của Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính đối với quỹ bảo hiểm y tế. Kinh phí được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính khách quan.

Trong đó, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có cơ sở pháp lý từ Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm tối ưu sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, phòng tránh, hạn chế tối đa các chi phí bất hợp lý, lãng phí, từ đó có nguồn lực dành cho những nhiệm vụ thiết thực, phục vụ người bệnh, nhất là người bệnh nặng và mãn tính.

"Tinh thần này được lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất, quán triệt thường xuyên. Bảo hiểm Xã hội các địa phương cũng thường xuyên làm việc, giao ban, trao đổi để truyền tải đến đội ngũ lãnh đạo, các y, bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh. Qua đó, tất cả cùng chung tay vì mục tiêu chung là đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế và tối ưu sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế hiệu quả, đúng quy định"- ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết.

Người tham gia bảo hiểm y tế được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Qua đó, bảo hiểm y tế đã giúp nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế vượt qua những khó khăn về kinh tế; góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Bảo hiểm y tế

Tin cùng chuyên mục

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông hướng về Nam Trung Bộ và Tây nguyên

Dự báo thời tiết hôm nay 23/12/2024: Bắc Bộ trời hanh khô, Nam Bộ có mưa

Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh tặng quà nhân ngày 22/12

Bộ Y tế thông tin về loại sữa nhiễm chất tẩy rửa ở Hàn Quốc

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Hải quân Việt Nam và Campuchia tuần tra chung lần thứ 77

Hơn 260.000 lượt khách tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Áp thấp nhiệt đới hướng về quần đảo Trường Sa, miền Trung mưa lớn

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Hàng chục nghìn người dân nhận thẻ đi tuyến số 1 metro VikkiGO miễn phí

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại

Trung đoàn 451: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân

Tìm ra quán quân Cuộc thi Innovation and Development 2024 - The Future of Food

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Bộ Nội vụ thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương năm 2024