10 nhóm công ty khởi nghiệp đến từ các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như thành phố thông minh, thực tế ảo (AR), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), nông nghiệp thông minh, môi trường bền vững và học máy (machine learning) sẽ được nhận hỗ trợ tài chính trị giá 10.000 đôla Mỹ cho mỗi đội để tiếp tục phát triển kế hoạch dự án của mình trong 10 tháng tới khi tham gia giai đoạn ươm tạo về kỹ thuật, kinh doanh và đào tạo kiến thức về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, các đội sẽ được hỗ trợ chi phí khi nộp bằng sáng chế và có cơ hội thắng giải thưởng tiền mặt trị giá 100.000 đôla Mỹ, 75.000 đôla Mỹ và 50.000 đôla Mỹ.
Đó là các công ty: Công ty TNHH AI Dynamix: Hệ thống quản lý nhà máy năng lượng mặt trời; Công ty TNHH Cyberapply Việt Nam: Giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp tự động kiểm duyệt nội dung trực tuyến có hại; Công ty TNHH GraphicsMiner Việt Nam: Bộ sản phẩm tương tác thực tế ảo bằng bìa cứng thân thiện với môi trường; Công ty Cổ phần Công nghệ Lõi ảnh nhiệt InfraSen: Nhà cung cấp giải pháp công nghệ lõi ảnh nhiệt; Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Lotoda: Nền tảng IoT và nông nghiệp thông minh; Công ty Cổ phần Công nghệ Thông Minh Mismart: Thiết bị bay và giải pháp trí tuệ nhân tạo cho nông nghiệp thông minh; Công ty Cổ phần SMATEC: Hệ thống âm thanh công cộng thông minh cho chính phủ và doanh nghiệp; Công ty Cổ phần tMonitor: Nền tảng giám sát không khí dựa trên trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật; Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ cao VAS: Nền tảng tương lai cho lĩnh vực logistics của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Công ty Cổ phần Công nghệ Tiến bộ Việt Nam: Sản phẩm card âm thanh tích hợp DAC cao cấp “make in Việt Nam” đầu tiên.
Chính thức ra mắt từ tháng 12/2019, với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, chương trình hướng đến mục tiêu phát triển hệ sinh thái công nghệ đang lên bằng cách tìm kiếm và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiết kế các sản phẩm 5G, IoT, máy học, thành phố thông minh, thiết bị đeo và đa phương tiện sử dụng nền tảng và công nghệ di động Qualcomm Technologies và có thể hưởng lợi ích về chuyên môn từ các chuyên gia của Qualcomm trong một số lĩnh vực.
Ông Alex Rogers - Chủ tịch Tập đoàn Qualcomm mảng Bản quyền công nghệ (Qualcomm Technology Licensing) và Hợp tác đối ngoại - chia sẻ: “Chúng tôi rất mong chờ vào những thành tựu mà các đội có thể mang đến, cũng như các hợp tác và hỗ trợ liên tục của Qualcomm đối với hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam”.
Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ - nhấn mạnh: “Với sự hỗ trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Qualcomm đã thu hút được các công ty khởi nghiệp tiềm năng tham gia QVIC 2022. Việc tuyển chọn những công ty công nghệ xuất sắc này sẽ đóng góp vào tương lai công nghệ mới của Việt Nam”.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính 10.000 đôla Mỹ tiền mặt, xuyên suốt khoảng thời gian tiếp theo của thử thách, mỗi đội sẽ được tư vấn từ đội ngũ chuyên gia của Qualcomm Technologies về kinh doanh, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ và hướng dẫn nộp hồ sơ cấp bằng sáng chế. Vòng chung kết sẽ được tổ chức vào tháng 8/2022 để chọn ra 3 đội chiến thắng và nhận tổng giải thưởng tiền mặt có giá trị lên đến 225.000 đô la Mỹ.