Xuất khẩu tôm sú sang thị trường Bắc Âu: Tiềm năng lớn
Cơ hội lớn cho sản phẩm tôm tại Bắc Âu
Theo EVFTA, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm, góp phần cho thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các nước khác.
Sau chiến dịch tiêm phòng COVID-19 và gói kích thích kinh tế từ đầu năm 2021, nhu cầu thủy sản tại thị trường EU đã hồi phục rõ rệt, cùng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hầu hết các sản phẩm thủy sản Việt Nam sang thị trường này.
Thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021. Riêng thị trường EU sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%, tôm xuất khẩu đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu đơn lẻ sang 3 thị trường chính là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%.
Đáng lưu ý, nhu cầu nhập khẩu tôm vào EU thường tăng vào mùa hè và mùa thu. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu tại thị trường này đã chuẩn bị kỹ các đơn hàng từ thời điểm đầu năm.
Nhu cầu nhập khẩu tôm vào EU thường tăng vào mùa hè và mùa thu |
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển lưu ý, đối với bán lẻ, trong nhiều năm qua, tôm sú đã mất dần thị phần trong các chuỗi bán lẻ lớn. Với việc người tiêu dùng định hướng về giá cả và nhu cầu về tính bền vững được chứng nhận ngày càng tăng, các nhà bán lẻ đã chọn tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương để thay thế.
Vì châu Âu có một cộng đồng dân tộc lớn, nên cũng có các cửa hàng bán lẻ dân tộc chuyên biệt bán nhiều loại thực phẩm, bao gồm cả hải sản. Thông thường, họ cung cấp nhiều loại sản phẩm khác với hình thức bán lẻ chính thống. Tôm là mặt hàng thủy sản đông lạnh hàng đầu tại kênh này. Hơn nữa, các siêu thị dân tộc có khả năng bán tôm sú cho người tiêu dùng trực tiếp, vì các yêu cầu chứng nhận là không cần thiết.
"Trong bán lẻ thông thường, sản phẩm tôm sú bóc vỏ đông lạnh chủ yếu được bán trong các túi từ 250g đến 1kg. Đôi khi, tôm sú IQF hoặc Semi-IQF HOSO cũng sẽ được cung cấp trong các túi 250g đến 1kg hoặc trong các hộp carton 500g đến 1kg. Hầu hết các tổ chức bán lẻ lớn hơn bán tôm đông lạnh dưới nhãn hiệu riêng của họ nhưng cũng có một số nhãn hiệu khác" - Thương vụ lưu ý.
Tuy nhiên, việc cung cấp trực tiếp cho kênh siêu thị ở Bắc Âu chỉ có thể thực hiện nếu doanh nghiệp xuất khẩu có chứng nhận trang trại, nhà máy và cơ sở chế biến của mình với chứng nhận bền vững hoặc hữu cơ, hoặc thực tế có thể làm như vậy trong thời gian ngắn hoặc trung hạn. Nếu không có các chứng nhận này, tốt hơn là nên tập trung vào việc tìm kiếm khách hàng ở thị trường bán buôn hoặc kênh bán lẻ dân tộc, nơi các yêu cầu chứng nhận này ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, điểm bất lợi là cung, cầu và giá cả ở kênh bán buôn và bán lẻ dân tộc luôn biến động và khó dự đoán hơn so với kênh siêu thị.
Đối với bán buôn, có hai thị trường cuối cùng: các nhà bán buôn tổng hợp (bao gồm cả các nhà bán buôn dân tộc) và các nhà bán buôn thủy sản chuyên biệt. Những người bán buôn tổng hợp ít có khả năng cung cấp tôm sú với số lượng lớn, vì cá và hải sản chỉ là một trong nhiều loại sản phẩm của họ. Ngoài ra, họ cung cấp ngày càng nhiều tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương, cũng như các loài cao cấp khác, chẳng hạn như tôm đỏ Argentina. Khối lượng được cung cấp bởi các nhà bán buôn tổng hợp tương đối lớn, vì họ điều hành nhiều cửa hàng trên khắp cả nước hoặc thậm chí ở nhiều nước khác nhau. Những người bán buôn này cũng có dịch vụ giao hàng, trong đó, nguồn cung cấp được chuyển thẳng đến bếp nhà hàng.
Thị trường bán buôn tôm sú dân tộc chủ yếu bao gồm các nhà bán buôn châu Á cung cấp cho các nhà hàng châu Á. Tôm là món ăn tiêu chuẩn trong thực đơn ẩm thực châu Á, cho dù là món Hoa, món Nhật hay món Việt. Theo truyền thống, thị trường châu Á sẽ mua nhiều tôm sú hơn, nhưng hiện nay, với giá tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương giảm, một số nhà bán buôn thay đổi loại sản phẩm của họ theo hướng bán nhiều sản phẩm tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương hơn.
Các nhà bán buôn thủy sản chuyên biệt thường bán nhiều loại sản phẩm hơn trong danh mục của họ và phục vụ cho thị trường cao cấp. Điều này có nghĩa là họ không định hướng về giá cả mà tập trung vào chất lượng và cung cấp nhiều loại kích cỡ và chủng loại hơn. Để gia nhập thị trường này, doanh nghiệp xuất khẩu phải cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao nhất.
Các nhà bán buôn hàng tổng hợp chủ yếu làm việc với các nhà nhập khẩu, trong khi các nhà bán buôn chuyên biệt thường nhập khẩu trực tiếp. Đối với người bán buôn tổng hợp, tôm chỉ là một trong nhiều mặt hàng; đối với các nhà bán buôn chuyên biệt, tôm là một trong những sản phẩm chủ lực. Nếu khối lượng đủ lớn, việc tìm nguồn cung ứng trực tiếp có thể đáng giá với các chi phí và rủi ro bổ sung.
Đại lý địa phương đóng vai trò quan trọng
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, các đại lý địa phương đóng một vai trò quan trọng trong việc buôn bán tôm sú để hỗ trợ người mua đảm bảo đáp ứng các yêu cầu chất lượng và đảm bảo mức giá tốt nhất.
Một số nhà nhập khẩu lớn hơn đã thành lập văn phòng đại diện hay văn phòng mua hàng địa phương tại các nước như Việt Nam, nơi họ có đội ngũ nhân viên địa phương đảm bảo chất lượng sản phẩm dành cho thị trường châu Âu và hỗ trợ đàm phán giá với các nhà cung cấp tiềm năng. Trong những trường hợp như vậy, các đại lý không còn cần thiết nữa. Ví dụ, Văn phòng riêng tại nước xuất khẩu sẽ chịu trách nhiệm điều phối mọi hoạt động mua hàng, kiểm tra chất lượng và hậu cần cho công ty.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu tôm sú đông lạnh, rồi rã đông sản phẩm, chế biến thêm, đóng gói hàng loạt cho ngành công nghiệp hoặc đóng gói tiêu dùng cho các siêu thị, sau đó phân phối sản phẩm. Cơ sở vật chất cần thiết cho quá trình chế biến và hậu cần là rất lớn, và chỉ một số nhóm có khả năng đầu tư vào loại hình này.
Nếu một nhà bán lẻ hoặc nhà bán buôn mua trực tiếp từ nguồn, rất có thể họ có một đối tác hậu cần mạnh, người đảm nhận tất cả các khâu hậu cần thường do nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm hoặc nhà cung cấp có bộ phận nhập khẩu riêng ở châu Âu.
“Các nhà nhập khẩu cần cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào các đại lý, các nhà bán buôn và bán lẻ cố gắng ít phụ thuộc hơn vào các nhà nhập khẩu để giảm chi phí. Tuy nhiên, tôm vẫn bị nhiều người coi là mặt hàng rủi ro nên rất ít nhà bán buôn và bán lẻ nhập khẩu tôm trực tiếp. Nếu làm như vậy, họ thường sử dụng một nhà cung cấp dịch vụ mạnh hoặc một tổ chức mua hàng tập trung để đảm nhận một số trách nhiệm từ người mua cuối cùng” – Thương vụ nhấn mạnh.