Thứ sáu 27/12/2024 13:37

Xuất khẩu tăng 15%, dệt may chờ đón đơn hàng mới

Giữ vị trí thứ 4 trong top nhóm hàng có kim ngạch cao nhất cả nước 2 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt đà tăng trưởng 2 con số.

2 tháng, tăng trưởng xuất khẩu 15%

Số liệu từ Tổng Cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2024 nhóm hàng dệt may đạt 5,2 tỷ USD xuất khẩu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất cả nước.

Kết quả này đạt được nhờ tình hình thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới dần ấm lại từ cuối năm 2023. Cùng đó, cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước xoay xở tìm đơn hàng.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Dony cho biết, đơn hàng của Dony đã đủ cho sản xuất đến quý II/2024. “Mới đây, khách hàng Trung Đông có hẹn báo giá cho đơn hàng số lượng khoảng 2 container 40 feet. Đây là khách hàng truyền thống cũng hứa hẹn khởi đầu tốt cho năm 2024”, ông Phạm Quang Anh nói.

Xuất khẩu tăng 15%, dệt may chờ đón đơn hàng mới

Giám đốc Dony cũng cho hay, về số lượng, đơn hàng của doanh nghiệp quý I/2024 không nhiều như cùng kỳ năm 2022 nhưng gấp đôi so với năm 2023. Giá đơn hàng hiện vẫn khá thấp, doanh nghiệp làm chủ yếu lấy công làm lãi để giữ chân khách hàng, ổn định lao động và sản xuất trong lâu dài chứ không “ngóng” kiếm lợi nhuận nhiều.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đã ký được các đơn hàng may xuất khẩu đến hết nửa đầu 2024 nhờ nhiều đối tác lớn đã bán hết hàng tồn kho, thậm chí đặt thêm đơn hàng mới.

Với tình hình khả quan đó, trong năm 2024, TNG dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân, bắt đầu từ tháng 3/2024. Bên cạnh đó, công ty sẽ dịch chuyển 2 nhà máy may Việt Đức và Việt Thái vào trong khu công nghiệp Sơn Cẩm nhằm tăng tính liên kết với các nhà máy phụ trợ, qua đó cải thiện hiệu suất tổng thể.

TNG cũng vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2 với doanh thu 347 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm tăng gần 13% lên 871 tỷ đồng.

Dù kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm có tích cực, tuy nhiên ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đơn hàng hầu hết được doanh nghiệp chuẩn bị trước Tết Nguyên đán. Hiện các doanh nghiệp đang đôn đốc tìm kiếm đơn hàng để chạy đủ quý I/2024. “Hy vọng từ quý II/2024 tình hình đơn hàng sẽ tốt hơn”, ông Phạm Xuân Hồng nói.

Ông Hồng cũng đồng thời thông tin, hiện một số nhà mua hàng lớn đang có ý định chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam là một trong số các lựa chọn, do vậy doanh nghiệp trong nước kỳ vọng đơn hàng sẽ “sáng sủa” hơn nữa trong thời gian tới.

Trợ sức kịp thời từ Bộ Công Thương

Là ngành hàng xuất khẩu quan trọng của cả nước với kim ngạch cao và giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động, dệt may luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Công Thương. Bộ đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế trong và ngoài nước để tìm các nhà mua hàng mới, chuỗi phân phối mới. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin mới về những yêu cầu về phát triển bền vững của nước nhập khẩu.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Công Thương lần đầu tiên phối hợp tổ chức Triển lãm Quốc tế ngành Dệt may và Công nghệ Dệt may 2024 (VIATT 2024). Triển lãm có quy mô trên 500 gian hàng của hơn 400 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Triển lãm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam tham gia kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất của các hãng dệt may toàn cầu, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, khuyến khích các thương hiệu lớn trên thế giới chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu hình thành chuỗi cung ứng trong nước.

Ngoài ra, theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Bộ cũng có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may có thể chuyển đổi xanh, chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận định, các đơn hàng trở lại gần đây cho thấy ngành dệt may đang tiếp tục phục hồi. Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển trọng tâm dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ năm 2031 đến 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2024, Hiệp hội đang đưa ra kịch bản đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD trên cơ sở nhiều thị trường và đơn hàng đã quay lại. Dự báo, nước ta sẽ ký thêm một số hiệp định thương mại với một số nước khác, đây là yếu tố tích cực khi sân chơi toàn cầu được mở ra toàn diện, ngành dệt may Việt Nam sẽ lan tỏa theo thị trường, theo hiệp định thương mại.

Hải Linh
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu dệt may

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Chương trình Phố rượu vang, trà, cà phê và đặc sản Đà Lạt

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với đường mía

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

EU khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số hợp kim gốc mangan và silicon

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xúc tiến thương mại và đầu tư tại Hoa Kỳ

Nấm Mối Đen Uyên Khang: Khẳng định thương hiệu nhờ sàn thương mại điện tử

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD

EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 thế giới

Phòng vệ thương mại: Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất

Ocean City tổ chức hội chợ xuân Giảng Võ, quy tụ gần 200 gian hàng Việt Nam và Quốc tế

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Dự báo, xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ vượt con số 1.000 tỷ USD

Thương mại điện tử: Khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số

EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?