Bà Phạm Ái- Giám đốc Môi giới Quốc gia, Công ty UPS Việt Nam - cho biết: Có 3 điểm, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý. Thứ nhất, việc miễn thuế GTGT đã bị bãi bỏ. Trước đây, hàng hoá nhập khẩu vào EU có giá trị nội tại tối đa 22 euro được miễn thuế, hiện không còn nữa, toàn bộ hàng hoá nhập khẩu vào EU đều chịu thuế. Thứ hai, hàng hoá gửi tới người tiêu dùng EU thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc môi trường trực tuyến thì các kênh này có trách nhiệm thu thuế GTGT. Thứ ba, EU đã cho ra mắt nền tảng nhập khẩu một cửa (IOSS). Doanh nghiệp B2C gửi trực tiếp hàng hoá cho người tiêu dùng tại EU, trị giá tối đa 150 euro thì IOSS sẽ hỗ trợ trong việc thanh toán thuế GTGT. “Đây là quy định hoàn toàn mới, việc đăng ký tham gia IOSS là không bắt buộc, tuy nhiên, đây là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thanh toán thuế GTGT và góp phần đẩy nhanh thông quan hàng hoá ở điểm đến”, bà Phạm Ái nói.
Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh gây ra, EU là một trong những thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021, tới 29% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch tăng chủ yếu do tăng lượng hàng xuất khẩu- đây là điểm đáng mừng, cho thấy nhu cầu tại thị trường EU- một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang dần hồi phục.
Dệt may – một trong những ngành hàng đã tận dụng bước đầu ưu đãi từ EVFTA. Ảnh Cấn Dũng |
Tại Hội thảo “SheTrades và UPS: Hỗ trợ doanh nghiệp Ứng dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) trong bối cảnh Covid-19” do Cục xúc tiến thương mại tổ chức gần đây, ông Nguyễn Anh Dương- Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế trung ương - cho rằng: Trong kết quả xuất khẩu khả quan của Việt Nam sang EU nửa đầu năm 2021 có sự góp sức quan trọng từ EVFTA. Thứ nhất, hiệp định này đã mang lại thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam cải thiện xuất khẩu vào thị trường EU. Thứ hai, tiêu chuẩn cao trong EVFTA nói riêng và ở thị trường EU nói chung buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tìm hiểu, tuân thủ một cách bài bản, thay vì chỉ tính toán lợi thế cạnh tranh về giá khi EU cắt giảm thuế nhập khẩu.
Nếu nhìn từ ngành hàng cụ thể, dệt may có thể là minh chứng tốt cho tác động tích cực của EVFTA. 6 tháng năm 2021, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu 2,263 tỷ USD sang EU, tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước. Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - khẳng định: “ Nếu không có EVFTA, con số xuất khẩu chỉ đạt khoảng 700-800 triệu USD”.
Không chỉ tác động ngay tới kim ngạch xuất khẩu, đại diện Vitas còn cho rằng: EVFTA là động lực phát triển dài hạn cho dệt may Việt Nam. Hiệp định này tạo ra thị trường rộng mở, có tính toàn diện do đó thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển nguồn cung thiếu hụt, đáp ứng quy tắc xuất xứ 2 công đoạn. Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghệ về tự động hoá, quản trị số tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường may mặc toàn cầu. EVFTA còn giúp đa dạng dòng đầu tư vào ngành, từ châu Âu tới châu Á. Chính dòng đầu tư này sẽ gia tăng giá trị cho sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang EU và các thị trường khác.
Dù vậy, EU là thị trường nổi tiếng khó tính và luôn đi trước trong việc đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như đánh giá sản xuất. Việc nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng hàng hoá sang thị trường EU luôn được các chuyên gia khuyến cáo. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cải thiện giá trị gia tăng như thế nào, và bắt đầu từ đâu?
Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Dương, đầu tiên doanh nghiệp luôn tìm hiểu, cập nhật và đáp ứng các thay đổi trong chính sách thương mại của EU. Theo dõi xu hướng về các biện pháp phi thuế quan, đồng thời lưu ý các tiêu chuẩn riêng của nhà nhập khẩu. Cùng đó, chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ vào thị trường EU. “Trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội và tích lũy từ việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn thấp khác để tiệm tiến tới các hiệp định có tiêu chuẩn cao hơn, như EVFTA”, ông Nguyễn Anh Dương nói.