Xuất khẩu gạo tăng mạnh 68%
Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, nửa cuối tháng 7 (16-31/7), cả nước xuất khẩu 411.462 tấn gạo, kim ngạch đạt 227,2 triệu USD. So với nửa đầu tháng này, lượng gạo xuất khẩu tăng tới 65% và kim ngạch tăng gần 68%.
Trong tháng 7, cả nước xuất khẩu 660.738 tấn gạo, kim ngạch 362,66 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch so với tháng trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.
Về giá, dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta ngày 10/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn, đồng loạt tăng 20 USD/tấn so với phiên hôm trước (9/8). Còn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử.
Gạo Việt Nam được bày bán tại kênh phân phối nước ngoài |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đang khởi sắc ở cả 3 tiêu chí: lượng, kim ngạch và trị giá bình quân.
Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Philippines, Trung Quốc, Indonesia… trong đó, Philippines nhiều năm giữ vị trí là thị trường lớn nhất, 7 tháng đầu năm xuất khẩu sang quốc gia Đông Nam Á này đạt gần 1,94 triệu tấn, kim ngạch gần 985 triệu USD.
Đáng chú ý, cơ cấu gạo tiếp tục được chuyển dịch sang các loại gạo chất lượng và giá trị cao. 7 tháng qua, chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 2,35 triệu tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24,2% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 358,5 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 324.000 tấn); còn lại là các loại gạo khác.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, thời gian qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng mạnh và các thương nhân xuất khẩu gạo đã đạt mục tiêu đề ra khi tiêu thụ lúa gạo cho người dân với giá cả tốt và bình ổn được thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Hiện chất lượng gạo của Việt Nam đáp ứng được tất cả các thị trường thế giới, đây là một tín hiệu đáng mừng.
Thời điểm này, gạo Việt đang có lợi thế xuất khẩu để tăng được cả sản lượng lẫn giá xuất khẩu do hiệu ứng nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn bị hạn chế, nhưng lợi thế này sẽ không kéo dài. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn/năm có thể sẽ thu hồi lệnh cấm xuất khẩu, giá gạo chắc chắn sẽ không thể duy trì ngưỡng cao.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ ngắn hạn để tăng xuất khẩu, chốt giá bán cao. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiên định thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, tăng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng sản lượng, giảm tiêu hao vật tư đầu vào, giảm phát thải để hướng tới mục tiêu net Zero trong ngành nông nghiệp.
Dự báo, năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 8 triệu tấn, là con số kỷ lục từ trước đến nay.