Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu điều nhân vào thị trường châu Âu, do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tổ chức hôm nay (2/6) tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Đức Thanh- Chủ tịch VINACAS- đánh giá EU là thị trường lớn và quan trọng của ngành điều Việt Nam |
Theo ông Nguyễn Đức Thanh- Chủ tịch VINACAS, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Đối với ngành điều, năm 2016, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam vào thị trường EU xấp xỉ 94,1 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 765,56 triệu USD, chiếm 26,9% thị phần xuất khẩu toàn ngành. Trong năm 2017, VINACAS kỳ vọng xuất khẩu vào thị trường EU sẽ đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu điều nhân toàn ngành.
Ông Phạm Minh Trí- nghiên cứu viên Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn)- cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là hiệp định quan trọng đối với cả hai phía Việt Nam và EU. EVFTA sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên thông qua tăng cường quan hệ về kinh tế, thương mại. Các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU, trong đó có hạt điều sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Do đó, việc hiểu đầy đủ các cam kết của EVFTA sẽ giúp cho các DN ngành điều tận dụng những ưu đãi về thuế quan và nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững (về nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường).
Thông tin cụ thể về những cơ hội, thách thức tại thị trường EU với ngành điều, ông Phạm Minh Trí cho hay, EU hiện là thị trường nhập khẩu điều lớn nhất thế giới, trong đó, Hà Lan là trung tâm giao thương chính của điều nhân, kế đến là Đức và Bỉ. Trong số các nước xuất khẩu điều nhân vào EU, Việt Nam là nhà cung cấp lớn nhất với sản lượng chiếm 54,3%.
Tuy nhiên, các DN xuất khẩu điều vào EU sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về tiêu chuẩn bởi thị trường này có những yêu cầu vô cùng khắt khe về chất lượng, an toàn cũng như các tiêu chí môi trường. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có 22/330 DN đạt các chứng nhận về ISO, HACCP. Đây là thách thức lớn nhất của DN điều Việt Nam hiện nay.
Liên quan đến chất lượng, ông Cao Thúc Uy- Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát (Long An)- chia sẻ, so với các thị trường khác như Mỹ hay châu Á, EU có nhiều đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, buộc các DN xuất khẩu phải tự nâng cao khả năng để đáp ứng. Cụ thể, về an toàn thực phẩm, nếu như trong 11 triệu hạt điều chỉ cần có 1 con sâu hay mọt thì cả đơn hàng sẽ bị ảnh hưởng. Về thanh toán, do EU dùng thanh toán bằng tiền euro nên DN sẽ phải qua một ngân hàng trung gian tại Mỹ để chuyển thành tiền USD, khiến cho thời gian kéo dài; thậm chí có khách hàng còn yêu cầu thanh toán 30 ngày sau khi nhận hàng nên chỉ những DN có tiềm lực mới xuất khẩu được vào EU.
“Dù vậy, chúng tôi vẫn nhận định EU là thị trường lớn và dự định sẽ tăng sản lượng xuất khẩu lên 75% vào thị trường này (năm 2016, thị trường EU chiếm 64% trong tổng sản lượng xuất khẩu của Cao Phát). Để đạt mục tiêu trên, ngoài các tiêu chuẩn đã đáp ứng trước đây, Cao Phát vẫn đang tiếp tục chú trọng nhiều hơn cho mẫu mã, chất lượng và các công tác đảm bảo an toàn môi trường, lao động khác"- ông Uy khẳng định.
Theo ông Trần Văn Hiệp- Trưởng Ban Xúc tiến thương mại VINACAS, để tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu vào EU, DN phải tìm hiểu kỹ thông tin đối tác qua các tổ chức như cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức CENTA của Anh Quốc. Ngoài ra, DN cũng phải tăng cường tham gia các hội chợ, triển lãm cũng như xử lý nhanh các tình huống không may xảy ra về chất lượng để đảm bảo uy tín với khách hàng.
Năm 2017, toàn ngành điều phấn đấu xuất khẩu 360 ngàn tấn điều nhân các loại, tăng 2,8% so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điều đạt 3,3 tỷ USD, trong đó nhân điều 3 tỷ USD, tăng 5,0% so với năm 2016. Trong 5 tháng đầu năm nay, toàn ngành đã xuất khẩu đạt giá trị 1,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ. |