Xuất khẩu điện thoại, linh kiện: Triển vọng đường dài
Kim ngạch xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện tăng mạnh
Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng mạnh trong tháng 1/2024. Kim ngạch tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng tới 42. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022.
Điện thoại và linh kiện- mặt hàng xuất khẩu chủ lực |
Trong tháng 1/2024 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giầy dép các loại; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại các loại và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Phương tiện vận tải và phụ tùng.
Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1/2024 chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước.
Đà tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện. Chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 56,3% so với tháng trước do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1/2024.
Tương tự, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8%, ước đạt 1,3 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 8,1%, ước đạt 900 triệu USD.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng hai đến ba con số như: hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giầy dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%...
Bộ Công Thương nhìn nhận, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử đến trên 100 thị trường trên thế giới. Xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường EU gồm Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Phần Lan...
Đặc biệt, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh các nước thành viên khác có tiềm năng của EU như: Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia…Đồng thời mặt hàng này cũng tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ…
Tiếp tục khai thác tốt các thị trường xuất khẩu tiềm năng
Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.
Các chuyên gia nhận định, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam tăng mạnh trở lại. Việc tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất tại Việt Nam đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng xuất khẩu của ngành điện tử trong những năm tới.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… Với việc tham gia sâu rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới, từ đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện sẽ tạo nên doanh thu kỷ lục trong những năm tới.
Để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và daonh nghiệp. Cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường vai trò, hiệu quả của các cơ quan đại diện thương mại, của các hiệp hội ngành nghề trong xúc tiến thương mại; tìm kiếm cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền và ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả, tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết.
Bên cạnh đó xuất khẩu điện thoại, linh kiện trong thời gian tới cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới; Tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong xuất khẩu; cần có kế hoạch phát triển dài hạn, chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá; tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình chính kinh tế, chính trị trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; cần bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực, có chiến lược cạnh tranh, tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu điện thoại và linh kiện Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng tốt. Đây là những tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện tử và đem lại nhiều đóng góp lớn cho quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024.