Xuất khẩu của ASEAN phục hồi mạnh mẽ bởi nhu cầu lớn từ Mỹ và Trung Quốc
Dựa trên mức độ tiếp xúc cao với cả hai thị trường này, Việt Nam sẽ dẫn đầu đà phục hồi thương mại, tiếp theo là Malaysia. Trung tâm thương mại khu vực Singapore cũng sẽ được hưởng lợi từ “khu vực bên ngoài được gia công hóa”. Đó là nhận định trong phân tích của Oxford Economics vừa công bố ngày 31/5, nhấn mạnh 3 quốc gia dẫn đầu của ASEAN sẽ có được sự gia tăng từ nhu cầu ngắn hạn đối với chất bán dẫn và các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch.
Các yếu tố từ phía cung cũng hỗ trợ triển vọng xuất khẩu của ASEAN, bằng chứng là Việt Nam đã thành công trong việc thu hút thương mại chuyển hướng từ Trung Quốc. Oxford Economics trước đó đã xếp Việt Nam và Malaysia là những điểm đến hấp dẫn nhất ở châu Á đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài theo định hướng xuất khẩu.
Trong khi đó, xuất khẩu của Malaysia dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ chất bán dẫn và Singapore sẽ gặt hái lợi ích từ các lô hàng y tế Covid-19. Tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp ở Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam và Singapore, do xuất khẩu hàng hóa vốn đáng kể sang Trung Quốc, dự đoán rằng hai quốc gia này sẽ được hưởng sự thúc đẩy nhu cầu hàng hóa vốn của Trung Quốc.
Mặt khác, Oxford Economics đánh giá rằng lợi ích kinh tế từ phục hồi thương mại có thể được bù đắp cho những nền kinh tế tiếp xúc nhiều hơn với Nam Á và Đông Nam Á, chẳng hạn như Indonesia, Malaysia và Singapore. Indonesia và Philippines cũng có thể thua thiệt về khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, vì báo cáo cảnh báo về cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh doanh yếu kém. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là khi các công ty điều chỉnh với chi phí gia tăng ở Trung Quốc, sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất của các nước ASEAN-6 gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trong khi xuất khẩu sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng năm 2021 trên các nền kinh tế ASEAN-6, báo cáo của Oxford Economics kết luận rằng mức tăng sẽ không đồng đều, trong đó Philippines có phần tụt lại phía sau so với các nước khác.