![]() |
Ảnh minh họa |
Đây được xem là một bước tiến quyết định nhằm khơi thông điểm nghẽn nợ xấu cho nền kinh tế.
Theo thông tin từ ngân hàng nhà nước, với mục tiêu tăng dư nợ cho vay bình quân khoảng 16%, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới (2017-2022) tới 350.000 tỷ đồng. Để duy trì mục tiêu nợ xấu dưới 3% thì tổng số nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới không dưới 640.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm cần xử lý gần 130.000 tỷ đồng - thách thức hết sức lớn, song không thể không vượt qua nếu muốn nền kinh tế có những bước phát triển đột phá như kỳ vọng của một Chính phủ kiến tạo.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn vượt qua thách thức lớn đó phải có những điều kiện nhất định.
Nội dung cốt lõi của Nghị quyết là tăng quyền cho tổ chức tín dụng để thanh lý tài sản cầm cố. Đây là vấn đề quan trọng, là điều kiện “cần”. Nghị quyết sẽ giúp hàng loạt các ngân hàng đang chìm ngập trong khó khăn có cơ hội giải quyết nợ xấu “ẩn giấu” trong các tài sản bảo đảm mà không thể giải quyết nổi. Các tổ chức tín dụng sẽ là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp, cổ phiếu ngân hàng sẽ khởi sắc theo sự cải thiện hoạt động kinh doanh. Thị trường bất động sản có cơ hội “thay da đổi thịt”, các dự án “trùm mền” sẽ hồi sinh...
Tuy nhiên, điều kiện “đủ” là những giải pháp triển khai Nghị quyết và sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, của cả hệ thống chính trị. Đây mới là điều kiện quyết định sự thành công.
Song, đó là những bước đi quyết liệt trong tương lai gần. Nghị quyết chỉ mang tính “thử nghiệm” xử lý các khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian qua. nói cách khác, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế.
Nhìn xa hơn, sau quá trình thực hiện Nghị quyết, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh mang tính thường xuyên, nằm trong “khung rủi ro” kinh doanh tiền tệ của cả hệ thống ngân hàng, không để phát sinh những “cục máu đông” làm nghẽn những “mạch máu” đưa nguồn lực tới các lĩnh vực của nền kinh tế.