Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Ban Chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém tại một số dự án và doanh nghiệp kém hiệu quả. Đến nay, có một số dự án được đưa vào hoạt động và một số dự án được xử lý với hình thức phù hợp.
Cuộc họp của Thường trực Chính phủ về 12 dự án kém hiệu quả |
Về phương hướng xử lý trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải cố gắng để trong năm 2020 hoặc chậm nhất là 6 tháng đầu năm 2021, Tổ công tác báo cáo với Ban Chỉ đạo để Trưởng Ban chỉ đạo xem xét từng nhóm dự án, dự án cụ thể để Trưởng Ban chỉ đạo quyết định từng dự án đó. “Hoặc thận trọng hơn báo cáo ra Thường trực Chính phủ với văn bản cụ thể để Thủ tướng quyết định” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị với những dự án có khả năng phục hồi được thì nên tập trung phục hồi, nếu có khả năng thị trường tốt, thu hồi vốn được thì Tổ công tác kiến nghị. Loại thứ hai là với những dự án buộc phải phá sản, giải thể thanh lý thì cũng phải làm rõ mà không để chậm trễ nữa.
Tinh thần chỉ đạo được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là làm dứt điểm, không để kéo dài |
Theo Thủ tướng: “Dự án nào không phục hồi được thì bán cho các thành phần kinh tế, các tổ chức doanh nghiệp ngân hàng thỏa thuận được với nhau thì đồng ý giải quyết chuyển. Quản lý tài sản nhà nước không để thất thoát nhưng cũng phải có hướng mở cần thiết để giải quyết thực trạng của các dự án”.
Một tinh thần nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là trong quá trình xử lý các dự án phát hiện sai phạm đến đâu, xử lý đến đó; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý các dự án này cũng như không thể để kéo dài mãi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp |
Thủ tướng đề nghị tổ công tác báo cáo Ban Chỉ đạo để xem xét xử lý từng dự án cụ thể cũng như báo cáo Thường trực Chính phủ. Tinh thần là không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản Nhà nước; nếu phục hồi được thì cố gắng phục hồi, còn không thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý… Cần có quyết sách rõ ràng từng dự án. Phát hiện sai đến đâu, xử lý đến đó; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý các dự án này.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các ngành Ngân hàng, Tài chính, Thuế v.v… cố gắng tạo điều kiện tối đa cho việc tái cơ cấu này.
“Trong quá trình này có vấn đề gì liên quan đến Quốc hội thì báo cáo Quốc hội. Không để kéo dài nữa mà phải có quyết sách rõ ràng từng dự án: cái nào phục hồi, cái nào chuyển nhượng, cái nào phá sản” - Thủ tướng nhấn mạnh.