Xóa bỏ tình trạng hạ hầm chợ truyền thống
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Tổ chức HealthBridge Canada tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác hoàn thiện khung pháp lý phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị ở Việt Nam.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, chợ truyền thống đang có sự cạnh tranh gay gắt từ phía siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng online…Tuy nhiên, trên thực tế chợ vẫn là kênh lưu thông thực phẩm chính (gần 70% thực phẩm lưu thông qua chợ) của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, năm 2018 cả nước có 2.089 chợ đô thị, chiếm 24,65% tổng số chợ tại Việt Nam (cả nước có 8.475 chợ). Chợ có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân thành phố dễ dàng tiếp cận thực phẩm tươi sống có lợi cho sức khỏe, kết nối nền kinh tế nông thôn và thành thị, mang lại những cơ hội kinh tế. Chợ truyền thống còn là nơi mua sắm thường xuyên của những người có thu nhập thấp, là nơi kiếm kế sinh nhai của các tiểu thương vốn đang phải chịu cạnh tranh rất lớn với các hình thức kinh doanh hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
“Chợ địa phương rất quan trọng với sinh kế người dân, là nơi giao tiếp xã hội, giúp người tiêu dùng tiếp cận với những nguồn dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Nói cách khác, sự phát triển của chợ truyền thống có ý nghĩa rất lớn với người dân, đặc biệt là thành phần yếu thế” - bà Sian Fitzgerald - Giám đốc điều hành tổ chức HealthBridge Canada nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc phát triển chợ đô thị Việt Nam đang tồn tại rất nhiều bất cập. Đơn cử, theo Sở Công Thương Hà Nội, mặc dù nhiều khu chợ đã xuống cấp song chính quyền địa phương không được phép sử dụng ngân sách để xây dựng, xây mới, sửa chữa chợ truyền thống trên địa bàn đô thị. Điều này dẫn đến các khu chợ chưa có hạ tầng tốt, thậm chí kém hơn cả khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Một số khu chợ đã kêu gọi đầu tư tư nhân nâng cấp, sửa chữa nhưng lại dẫn đến tình trạng kết hợp với các trung tâm thương mại theo hướng đưa chợ truyền thống xuống hầm trung tâm thương mại, không thu hút được tiểu thương và người dân đến mua.
Bà Sian Fitzgerald chia sẻ, tại Canada, chợ truyền thống được nhiều người lựa chọn với vai trò không chỉ là nơi mua sắm mà còn mang những nét văn hóa truyền thống. Do đó, chợ truyền thống được đầu tư mạnh mẽ và hoàn toàn không có tình trạng bị... hạ hầm. Những kinh nghiệm từ Canada hay các quốc gia có điều kiện tương đương với Việt Nam được kỳ vọng sẽ áp dụng tốt vào Việt Nam nhằm phát triển tốt hơn cho loại hình kinh doanh này.
“Không chỉ mang ý nghĩa là nơi trung chuyển hàng hóa, các khu chợ ở các đô thị như cố đô Huế, Hà Nôi, Cần Thơ và 1 số thành phố khác còn có giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch lớn nên việc quan tâm, bảo tồn rất có ý nghĩa” - bà Lê Việt Nga khẳng định.
Theo nội dung bản ghi nhớ, phía Canada sẽ hỗ trợ Vụ Thị trường trong nước thực hiện nghiên cứu, đánh giá chính sách phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị tại Việt Nam, tập trung vào chợ kinh doanh thực phẩm; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phát triển chợ truyền thống trong đô thị của một số nước; tổ chức hội thảo, hội nghị tham vấn chính sách và truyền thông định hướng chính sách phát triển và quản lý chợ trong đô thị tại Việt Nam.
Ngoài việc góp ý sửa đổi và hoàn thiện chính sách như Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thu hút mọi nguồn lực trong phát triển chợ đô thị trong thời gian tới, Bản ghi nhớ được được ký kết sẽ tạo tiền đề cho các hoạt động hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian tới nhằm bảo vệ và phát huy vai trò của chợ truyền thống trong đô thị, hướng tới phát triển đô thị bền vững, đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.