Xem xét sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV
Chiều 11/7, tại thành phố Đà Nẵng, Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa XV làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại thành phố Đà Nẵng.
Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng |
Thông tin tại buổi làm việc, bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 2012 đến nay, Sở Công Thương và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và giải quyết 322 vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng. Chủ yếu liên quan đến chất lượng hàng hóa và dịch vụ, an toàn thực phẩm, bảo hàng hàng hóa, dịch vụ truyền hình, mua bán hàng hóa qua mạng internet, bán hàng đa cấp. Gần 90% khiếu nại được giải quyết, hòa giải thành công.
Trong năm 2021, và quý I/2022, Sở Khoa học & Công nghệ thành phố đã tiếp nhận 673 vụ việc liên quan đến phản ánh sai số của đồng hồ đo nước và tiến hành kiểm tra, phát hiện 357/673 đồng hồ nước vượt sai số cho phép theo quy định.
Qua phản ánh của người dân, tiêu dùng, Sở Công Thương đã có văn bản gửi Sở Khoa học & Công nghệ thành phố về 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm độc quyền nhãn hiệu, đã có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng về 21 vụ việc có dấu hiệu vi phạm về giá cả, chất lượng, nhãn mác sản phẩm đến hàng hóa, dịch vụ…; có văn bản gửi Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm giá dịch vụ trông giữ xe tại các chợ để kiểm tra, xác minh, xử lý.
Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận 3 phản ánh của người tiêu dùng mua hàng trực tiếp qua mạng xã hội facebook và qua trang bán hàng liên quan đến mẫu mã hàng hóa không đúng như hình ảnh quảng cáo, thông báo hết mẫu mã hàng hóa như quảng cáo để đề nghị khách hàng chuyển qua mẫu mã khác.
Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra đối với sản phẩm theo thông báo thu hồi, nếu phát hiện sản phẩm không đảm bảo an toàn đang được lưu thông thì yêu cầu thu hồi, xử lý theo quy định.
Sở Du lịch tổ chức tập huấn, tuyên truyền và đề nghị các cơ sở kinh doanh nghiệp dịch vụ xây dựng các chính sách linh hoạt về hoãn/hủy dịch vụ khi khách có các sự cố y tế, rủi ro, tình huống bất khả kháng…, công khai thông tin các chính sách này.
Từ năm 2012 đến nay, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và xử lý 72 lượt hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của các tổ chức, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Các hợp đồng lần đầu các đơn vị nộp đề nghị xem xét hầu hết còn nhiều nội dung vi phạm luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Sở phải có thông báo không chấp thuận kèm hướng dẫn cụ thể đế các đơn vị có điều chỉnh phù hợp.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến người dân để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực thi có hiệu quả hơn (Ảnh minh họa) |
Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát đã đề nghị phía UBND thành phố Đà Nẵng làm rõ thêm các nội dung như công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công tác phối hợp giữa các Sở, ngành với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng; những quy định bất cập, vướng mắc trong triển khai thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Ngô Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng làm rõ thêm khó khăn về nguồn lực tài chính, nhân lực trong thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Làm rõ thêm vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước… Bổ sung sáng kiến, đề xuất, chính sách hướng đến sản xuất tiêu dùng, bền vững.
Đồng tình với việc điều chỉnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Trần Phước Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất việc điều chỉnh luật tập trung mạnh hơn nữa vào phổ biến tuyên truyền luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh vai trò của cơ quan truyền thông; nâng cao năng lực thực thi pháp luật và quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Kết luận buổi làm việc, ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa XV đề nghị thành phố Đà Nẵng hoàn thiện báo cáo như bổ sung đánh giá thực trạng về thực thi chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung các số liệu cụ thể ở các kết quả thực hiện tập trung ở 6 nhóm chính sách. Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng quan tâm để đóng góp sâu hơn vào quá trình hoàn thiện dự án Luật. Đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng; kiện toàn Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố
Trước đó, sáng 11/7, Đoàn giám sát đã đến khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Co.opmart Sơn Trà và tập đoàn Sungroup.
Ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã qua 12 năm thực thi và đến nay một số nội dung đã không còn phù hợp và theo kịp tình hình phát triển kinh tế. Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). |