Theo báo cáo của Trung tâm Giao thông vận tải (GTVT) của Đức, đến năm 2030 xe máy vẫn chiếm khoảng 70% phương tiện đi lại của Việt Nam. Tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp của Việt Nam đặt ra vấn đề gia tăng nguồn lao động từ nông thôn vào đô thị dẫn đến quá tải về hạ tầng, gây ra ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, với đặc điểm đô thị nhiều ngõ, ngách, khó di chuyển, người dân phụ thuộc rất nhiều vào xe máy. Giao thông công cộng chưa phát triển, việc sử dụng xăng sinh học còn gặp nhiều khó khăn… Hiện nay số lượng xe máy tại Việt Nam là 46 triệu chiếc, ô nhiễm môi trường là một thách thức đối với nhà quản lý của Việt Nam. Chính phủ đang tìm nhiều giải pháp về hạ tầng, giám sát quản lý các phương tiện tham gia giao thông cũng như tích cực đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm phương tiện giao thông đảm bảo chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm không khí. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất xe máy điện công nghệ cao được cho là một xu hướng tất yếu.
Tại hội thảo "Kết nối phát triển thị trường công nghệ về lĩnh vực xe máy điện công nghệ cao", do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì, tổ chức ngày 12/12, các chuyên gia nhận định: Việt Nam sử dụng phương tiện phần lớn là xe máy nên việc bỏ xe máy là điều không thể, vì vậy, nếu cần phải bỏ, sẽ chỉ bỏ xe máy chạy xăng truyền thống và thay bằng xe máy điện.
![]() |
Các chuyên gia cho rằng, xe máy điện công nghệ cao là giải pháp ưu việt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường |
Hội thảo đã giới thiệu sản phẩm xe máy điện Zio Motors của đối tác Hàn Quốc - Công ty TNHH Zio Motors Việt Nam, có động cơ tích hợp số duy nhất trên thế giới, mang lại hiệu suất điện năng sử dụng cao. Giải pháp này giúp giảm thiểu lượng chì ra môi trường và đảm bảo công năng sử dụng xe máy điện với nhu cầu sử dụng tại thị trường Việt Nam. Thông qua sử dụng năng lượng điện, sản phẩm được kỳ vọng sẽ giảm đến 95% phí bảo trì so với động cơ đốt trong. Vì vậy người dùng sẽ không thấy sự khác biệt lớn so với chiếc xe máy có động cơ đốt trong thông thường. Sản phẩm xe máy điện này chưa chính thức ra mắt tại Việt Nam, tuy nhiên hãng xe đã ký kết hợp tác với một số đơn vị công nghiệp phụ trợ trong nước để cung cấp các linh phụ kiện lắp ráp xe tại Việt Nam.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng và phát triển tại thị trường Việt Nam, trong 5 năm qua, Bộ KH&CN đã tham mưu đề xuất với Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy thị trường KH&CN của Việt Nam phát triển, từng bước đồng bộ hóa với các thị trường khác; giúp giá trị của doanh nghiệp gia tăng rõ rệt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ứng dụng đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường KH&CN Việt Nam gia tăng khoảng 16,5%/năm. Cùng với nhiệm vụ hoàn thành các thể chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường, các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, xúc tiến phát triển thị trường KH&CN đang từng bước khơi thông nguồn cung công nghệ cho thị trường, đặc biệt là nguồn cung công nghệ ở thị trường quốc tế.