Phát triển vùng TP. Hồ Chí Minh thành một đô thị lớn, có vai trò vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế |
Quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP. Hồ Chí Minh và 7 tỉnh thành lân cận bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, với tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404 km2.
Theo dự báo dân số đến năm 2030 của vùng khoảng 24 - 25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18 - 19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6 - 7 triệu người, khoảng 18 - 19 triệu lao động; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70% - 75%. Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 đạt khoảng 270.000 - 290.000 ha, bình quân 100 - 150m2/người; đất xây dựng điểm dân cư nông thôn đến năm 2030 đạt khoảng 150.000 - 170.000 ha, bình quân 180 - 210m2/người.
Theo quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ chất lượng cao tầm quốc gia và khu vực; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch rừng cảnh quan tầm quốc gia; là trung tâm văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của quốc gia và khu vực; là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh của vùng Nam bộ và cả nước; là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Về mô hình phát triển, vùng TP. Hồ Chí Minh với mô hình tập trung - đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng trong phát triển vùng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cụ thể, phát triển các đô thị nén, hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng...
Về cấu trúc không gian, vùng TP. Hồ Chí Minh được phân ra thành các tiểu vùng và trục hành lang phát triển kinh tế. Cụ thể, các tiểu vùng gồm tiểu vùng đô thị trung tâm là TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai; tiểu vùng phía Đông gồm các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc tỉnh Bình Dương; tiểu vùng phía Tây Nam gồm các tỉnh Tiền Giang và Long An.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh không chỉ đáp ứng mong muốn của TP. Hồ Chí Minh mà còn là sự kết nối chặt chẽ giữa các tỉnh, thành. Đồng thời các tỉnh thành trong vùng xác định được thế mạnh của từng địa phương, từng khu vực, chia sẻ những khó khăn, thách thức và gắn kết trong việc phân bố các vùng, nhằm phát huy được tiềm năng thế mạnh của từng tỉnh, thành.
Ngoài ra, để thực hiện đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh, các địa phương trong vùng cần công khai từng nội dung định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đảm bảo các bên cùng phối hợp và tham gia vào quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Đồng thời, từng địa phương chỉ đạo việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực có liên quan trên cơ sở đảm bảo đồng bộ, phù hợp với định hướng nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng.