Xây dựng quy chuẩn sử dụng methanol
- Methanol là 1 trong 366 hóa chất độc phải khai báo, bị kiểm soát theo Nghị định số 26/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 40/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương. Cụ thể, việc mua bán methanol theo quy định bắt buộc cần phiếu kiểm soát; có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc lưu thông trên thị trường. Methanol được nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất keo dán gỗ, tổng hợp propylene; sản xuất formaldehyde, axit acetic, MTBE (chất phụ gia cho vào xăng, thay thế cho diethyl ether)…
Tại Việt Nam, hiện có 33 DN đầu mối trong và ngoài nước hoạt động trên lĩnh vực sản xuất và thương mại được cấp giấy phép nhập khẩu methanol.
TS.Nguyễn Anh Đức - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam - cho biết, hiện đã có khá nhiều nước cho phép pha methanol vào xăng với hàm lượng nhất định như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, một vài nước ASEAN... Còn ở nước ta, quy chuẩn chất lượng xăng hiện hành là QCVN 1:2009 do Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành, chỉ quy định với xăng pha ethanol mà không có quy định với xăng pha methanol.
Do chưa ban hành quy chuẩn nên việc pha methanol vào xăng tại Việt Nam là làm “chui”, tùy tiện và đang bị nghi ngờ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho động cơ. TS Nguyễn Ngọc Dũng - Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) - cho rằng, sử dụng xăng pha methanol quá ngưỡng sẽ khiến nhiệt độ cục bộ tại khu vực nhớt bôi trơn, khoang động cơ, thùng xăng… tăng mạnh so với sử dụng xăng đúng chuẩn. Điều này khiến xe bốc cháy nếu gặp vật dễ cháy như: pin điện thoại di động, máy ảnh, nước hoa, keo xịt tóc…
Vì vậy, sử dụng methanol an toàn, hiệu quả, theo quy chuẩn cụ thể là việc làm cấp thiết. Đây là lý do để Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) phối hợp với Viện Methanol - Hoa Kỳ tổ chức hội thảo “Giới thiệu kinh nghiệm thế giới về sử dụng methanol một cách an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường”.
Ông Gregory Dolan - quyền Tổng giám đốc Viện Methanol - cho biết, hỗn hợp xăng - methanol với hàm lượng thể tích methanol 15% (M15) dùng tốt trên các phương tiện lưu thông mà không cần có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, để sử dụng methanol hiệu quả, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhiên liệu đồng bộ (bao gồm cả hỗn hợp xăng - methanol). Trong đó, cần nghiên cứu kỹ và học hỏi, rút kinh nghiệm từ việc sử dụng của các quốc gia khác. Thời gian tới, Viện Methanol và VINASTAS sẽ nghiên cứu, đề xuất các quy chuẩn trong sử dụng methanol. Trợ giúp về chuyên môn khoa học và kỹ thuật, cũng như các chương trình phổ biến kiến thức về an toàn, nâng cao nhận thức đối với người tiêu dùng, DN trong lĩnh vực này.
Ở khía cạnh khác, việc ban hành quy chuẩn đối với hỗn hợp xăng - methanol cũng khiến việc kiểm tra chất lượng xăng trở nên dễ dàng hơn. Theo TS Nguyễn Anh Đức, nếu không có quy chuẩn quy định hàm lượng methanol trong xăng thì khi kiểm tra chất lượng xăng, việc xác định hàm lượng methanol có thể bị bỏ qua. Điều này sẽ là “lỗ hổng” để các đơn vị kinh doanh thỏa sức lợi dụng, pha methanol vào xăng mà không e ngại. Còn khi đã có quy chuẩn, cứ thế đối chiếu, sai là xử lý.
Để sử dụng methanol hiệu quả, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhiên liệu đồng bộ (bao gồm cả hỗn hợp xăng - methanol). Trong đó, sử dụng theo tiêu chuẩn nào, cần nghiên cứu kỹ, đồng thời học hỏi, rút kinh nghiệm từ việc sử dụng của các quốc gia khác. |
Nhật Quang