Thứ tư 25/12/2024 00:54

Xây dựng luật phát triển công nghiệp: Không nhanh sẽ lỡ nhịp

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, tập trung thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Cấp thiết có một nền công nghiệp tự chủ, tự cường

Trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp gửi tới Chính phủ, Bộ Công Thương nêu rõ, thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, công nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa. Năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam được cải thiện chủ yếu nhờ vào các chỉ số liên quan đến xuất khẩu, chứ không phải nhờ vào các chỉ số liên quan đến nội lực của ngành công nghiệp. Đáng chú ý, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP còn thấp so với các nước công nghiệp (16,7% so với 20-30%), phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thiếu sự kết nối giữa FDI và DN trong nước. Tính tự chủ về nguyên vật liệu còn thấp vẫn chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài.

Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở ban hành cơ chế, chính sách phù hợp

Một trong những nguyên nhân đó là, hệ thống chính sách chưa thực sự hỗ trợ ngành phát triển, thiếu căn cứ pháp lý và nguồn lực triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp; chính sách tài chính (thuế, tín dụng) chưa tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nếu những vấn đề này còn tồn tại, năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam sẽ không được cải thiện. Các yếu tố góp phần tăng trưởng ở giai đoạn trước sẽ không còn phát huy được tác dụng trong giai đoạn tới, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình càng trở nên hiện hữu, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp, nước phát triển như mục tiêu đặt ra.

Theo các chuyên gia, nếu những hạn chế, bất cập không được khắc phục, rất có thể, Việt Nam sẽ phải đối diện với nguy cơ công nghiệp hóa quá sớm (thời đại hậu công nghiệp quá sớm) do doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam, trong khi nền tảng công nghiệp trong nước chưa kịp củng cố, lớn mạnh và càng ở vị trí bất lợi trước những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Công nghiệp chế biến, chế tạo phải duy trì mức tăng

Bộ Công Thương cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phát triển công nghiệp: Tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp. Nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng - địa phương. Đồng thời, xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Cần cơ chế đặc thù cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Mới đây nhất, ngày 27/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%.

Để đạt được các mục tiêu trên, tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong giai đoạn tới phải duy trì ở mức trên 16%/năm, trong khi mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2011-2020 là trên 11%.

Theo Bộ Công Thương, cho đến nay, trong khi hầu hết các phân ngành công nghiệp còn lại đã có luật riêng để điều chỉnh, thì các hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo lại chưa có luật riêng, dẫn đến thiếu hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương, và giữa các bộ, ngành liên quan. Vì vậy, việc cần thiết hiện nay không phải là xây dựng một đạo luật về việc quản lý và phát triển chung cho tất cả các ngành công nghiệp, mà cần xây dựng một đạo luật riêng với các cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Việc xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Lan Anh

Tin cùng chuyên mục

Xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc, cán cân thương mại được cải thiện

Nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia

Thương mại biên giới: Bước chuyển tích cực

Đủ điện cho phục hồi kinh tế năm 2022

Lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Doanh nghiệp đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn

Xuất khẩu gạo: Kỳ vọng nào cho cuối năm?

Đảm bảo lợi ích ngành mía đường trong nước

Tưng bừng các hoạt động “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnightsale”

Ứng phó hiệu quả, đảm bảo xuất khẩu bền vững

Gỡ “nút thắt” thúc đẩy năng lượng tái tạo

Khởi động ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday lớn nhất năm

Quyết định tổ chức “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021”

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Địa phương giữ vai trò quan trọng

Hơn 100 gian hàng tham gia tại Tuần hàng Việt huyện Ba Vì 2021

Đưa nông sản Bắc Kạn lên sàn thương mại điện tử

Tăng tốc các hoạt động xúc tiến thương mại dịp cuối năm

Từ câu chuyện vận chuyển vải thiều đến logistics cho nông sản

Bộ Công Thương nêu loạt giải pháp giải quyết ùn tắc tại cảng biển

Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 - Vietnam Grand Sale 2021: Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong trạng thái bình thường mới