Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho hàng Việt
Xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam
Ngày 8/3, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam.
Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố -cho biết: Hai tháng đầu năm 2024, kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi, có nhiều dấu hiệu khởi sắc; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP toàn ngành tăng 4,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 11,6%, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 13,7%, tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 14,8%... Trong đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục hướng đến sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; đã phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam.
“Cuộc vận động đã gắn với nhiều Chương trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, tạo sức lan tỏa lớn; qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt, phát huy được sức mạnh nội lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế thành phố”, bà Yến khẳng định.
Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm Việt bên lề Hội nghị Kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam. |
Bà Yến nhìn nhận, hiện nay có nhiều doanh nghiệp chỉ bán sản phẩm mà họ và người thân sẵn sàng sử dụng; nhiều hệ thống phân phối xem vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng hàng hóa là yếu tố sống còn.
Đây là điều rất đáng mừng, cũng là điều kiện cần để Ban Chỉ đạo đề ra Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá; Chương trình thực hiện kết nối các hệ thống phân phối, hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên tinh thần tự nguyện, cùng xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử, cùng hành động; cùng nói không đối với nhà cung cấp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng.
"Từ đó, các chương trình tạo sức răn đe tổng hợp; định hướng chuỗi cung ứng phát triển lành mạnh, an toàn và có trách nhiệm”, bà Yến phát biểu.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh những sản phẩm của người Việt sản xuất có chất lượng tốt, xuất khẩu đi nhiều nước, vẫn còn có nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng.
“Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn gặp những hạt sạn về hàng hóa trong nước. Lâu lâu, lại có bài báo đưa tin về thực phẩm bẩn, rau bẩn. Thử nghĩ một ngày nếu chúng ta, con em chúng ta sử dụng trúng những thực phẩm đó thì sao?”, ông Phương đặt vấn đề.
Ông Phương cho rằng, cần có chế tài chặt chẽ để nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp. Những thỏa thuận, cam kết giữa các nhà cung cấp sẽ bước đầu đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất hàng hóa và từng bước nhân rộng mô hình.
Tiếp tục nghiên cứu cách làm mới
Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho rằng, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam triển khai trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ năm 2009. Qua từng giai đoạn cụ thể, Ban chỉ đạo cuộc vận động thành phố đã điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các nội dung để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng sát với thực tiễn, đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả tích cực; tạo sự chuyển biến trong thói quen tiêu dùng của người dân, thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lợi ích của người tiêu dùng, mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng ngày càng cao với giá hợp lý.
Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Số liệu khảo sát những nǎm gần đây cho thấy, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tǎng lên mạnh mẽ. Nếu năm 2018 có 72,66% người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa trong nước thì đến nǎm 2022 tỷ lệ này đã tăng lên 85,06%. Tại các hệ thống siêu thị của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hay tại các kênh phân phối khác như: Chợ, cửa hàng tiện lợi,... hàng Việt đều chiếm tỷ lệ từ 80% trở lên. Điều này cho thấy người dân ngày càng tin tưởng và đã chủ động tiếp cận - sử dụng hàng Việt.
Ông Hải mong muốn, các đơn vị liên quan cần tiếp tục phát huy những điểm mạnh đạt được; nghiên cứu tìm tòi, tháo gỡ các khó khăn; đặc biệt là tìm các cách làm mới, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.
Saigon Co.op ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cùng 6 đối tác kinh doanh |
Cũng tại hội nghị, các đơn vị đã ký kết trong Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: Thỏa thuận triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa 6 hệ thống phân phối hàng đầu, giữa Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh; Ký bao tiêu sản phẩm của nhà cung cấp có trách nhiệm tiên phong tham gia Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa; Sở Công Thương và Sở Thông tin Truyền thông ký thỏa thuận hợp tác triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển kênh bán hàng trực tuyến, triển khai tập huấn bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống.
Tại hội nghị, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã ký kết với 6 doanh nghiệp và HTX: Anh Hoàng Thy, San Hà (cung cấp thịt gia súc, thịt gia cầm); HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, công ty MeKong Delta Food, Công ty Xuân Thái Thịnh (cung cấp rau củ quả); HTX Tân Mỹ (cung cấp trái cây). Hiện các đối tác này cung ứng từ trung bình 500 tấn hàng hóa mỗi tháng đến các hệ thống phân phối của Saigon Co.op. Saigon Co.op và các đơn vị này cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững phục vụ người tiêu dùng; đảm bảo lợi ích về sức khỏe người tiêu dùng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Việc hợp tác này nhằm kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm đặc sắc của TP. Hồ Chí Minh cạnh tranh với hàng nhập khẩu và định hướng xuất khẩu. |